Vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu khí của Arab Saudi hôm thứ Bảy tuần trước đã làm giảm tới một nửa sản lượng dầu của vương quốc này và cho thấy họ vẫn chưa chuẩn bị tốt để đối phó với các đòn tấn công liên tục nhằm vào những cơ sở hạ tầng quan trọng khi tham gia vào cuộc chiến ở nước láng giềng Yemen.
Arab Saudi và Mỹ nói rằng họ tin Iran - kình địch của Arab Saudi - có thể là chủ mưu vụ tấn công. Hôm thứ Ba trong tuần, một quan chức Mỹ nói Washington tin rằng đòn tấn công bắt nguồn từ Tây Nam Iran. 3 quan chức khác cho rằng đòn tấn công này bao gồm các drone và cả tên lửa hành trình.
Tehran bác bỏ cáo buộc trên, nói rằng người Yemen phản đối chiến dịch do Arab Saudi dẫn đầu đã thực hiện vụ tấn công. Phong trào Houthi tại Yemen - được hậu thuẫn bởi Iran - cũng tuyên bố nhận trách nhiệm vụ việc. Iran hiện vẫn là nước sở số lượng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo lớn nhất ở Trung Đông và hoàn toàn có thể áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Arab Saudi - theo hãng phân tích CSIS.
Nhưng ngay cả các đòn tấn công hạn chế hơn cũng đã khiến Arab Saudi chật vật chống đỡ, đơn cử như hàng loạt đòn tấn công mới đây mà Houthi tuyên bố nhận trách nhiệm nhằm vào một sân bay dân sự, các trạm bơm và giếng dầu ở Shaybah.
"Chúng tôi đang bị phơi bày. Mọi cơ sở của chúng tôi đều không có lớp lá chắn bảo vệ" - một nguồn tin an ninh Arab Saudi thừa nhận.
Vụ tấn công ngày 14/9 nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu của tập đoàn Saudi Aramco được xem là vụ tồi tệ nhất nhằm vào các cơ sở dầu khí, kể từ khi chính quyền Saddam Husein thiêu rụi các mỏ dầu của Kuwait trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh 1990-1991. Trong hôm thứ Ba, công ty Aramco nói rằng sản lượng dầu của họ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường nhằm trấn an dư luận, nhưng vụ tấn công thực tế đã tạo cú sốc trên các thị trường dầu mỏ.
Chính quyền Riyadh cho hay các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công là của Iran, nhưng vị trí khai hỏa vẫn chưa rõ. Ban đầu, vương quốc này nói vụ tấn công sử dụng các drone, nhưng 3 quan chức chính quyền Mỹ lại nói rằng nó còn sử dụng cả các tên lửa hành trình và thêm rằng vụ tấn công này phức tạp, tinh vi hơn nhiều so với đánh giá ban đầu.
"Vụ tấn công này không khác gì sự kiện khủng bố ngày 11/9 đối với Arab Saudi, nó làm thay đổi cục diện" - một chuyên gia phân tích an ninh Arab Saudi giấu tên nói - "Các hệ thống phòng không ở đâu? Những vũ khí của Mỹ mà chúng tôi chi hàng tỷ USD để mua nhằm bảo vệ vương quốc cùng các cơ sở dầu khí ở đâu? Nếu họ thực hiện vụ tấn công với độ chính xác đến vậy, họ cũng có thể tấn công các nhà máy lọc nước và nhiều mục tiêu khác".
Hệ thống phòng không chính của Arab Saudi, chủ yếu nhằm bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng, từ trước đến nay vẫn là tên lửa tầm xa Patriot do Mỹ chế tạo. Hệ thống này từng đánh chặn hữu hiệu nhiều tên lửa đạn đạo tầm cao mà Houthi phóng vào các thành phố của Arab saudi, trong đó có thủ đô Riyadh, kể từ khi liên minh quân sự mà Arab Saudi dẫn đầu tham chiến ở Yemen vào tháng 3/2015.
Nhưng khi phải đón nhận các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình và drone - vốn bay chậm hơn và ở tầm thấp hơn - thì Patriot lại tỏ ra kém hiệu quả vì khó phát hiện mục tiêu và cũng tốn nhiều thời gian để đánh chặn.
"Drone chính là thách thức lớn đối với Arab Saudi bởi chúng thường bay dưới tầm phát hiện của radar, và nếu xét tới đường biên giới kéo dài giữa vương quốc này và Yemen, Iraq thì họ rất dễ hứng chịu tổn thất" - một quan chức cấp cao ở Vùng Vịnh, nói.
Hàng loạt vụ tấn công
Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ chế tạo bất lực trước các đòn tấn công tầm thấp (Ảnh: DefenseNews)
|
Washington và Riyadh đều cáo buộc Iran cùng những lực lượng nước này hậu thuẫn đứng đằng sau loạt vụ tấn công các tàu chở dầu ở Vùng Vịnh - trong đó bao gồm 2 tàu chở dầu của Arab Saudi hồi tháng 5 và các vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu của vương quốc này.
2 trạm bơm dầu của Arab Saudi đã bị tấn công trong tháng này. Một trạm biến áp gần nhà máy khử muối ở Shuqaiq, miền Nam Arab Saudi, cũng từng bị tấn công trong tháng 6. Các vụ việc trên chỉ gây tổn thất hạn chế, không giống như vụ tấn công cơ sở lọc dầu ở Abqaiq và Khurais mới đây - khiến sản lượng dầu của Arab Saudi giảm tới 5,7 triệu thùng/ngày.
Một nguồn tin hiểu biết về tình hình hoạt động của công ty Aramco cho hay hệ thống an ninh tại Abqaiq vốn không hữu hiệu khi chống drone. Chính quyền các cấp cũng đang điều tra xem radar có phát hiện được các drone trước khi chúng thực hiện đòn tấn công hay không.
Trả lời trước báo giới về việc hệ thống phòng thủ của Arab Saudi không thể ngăn chặn vụt tấn công hôm thứ Bảy tuần trước, phát ngôn viên liên minh do Arab Saudi dẫn đầu, ông Ruttki al-Malki, nói: "Hơn 230 tên lửa đạn đạo đã bị lực lượng liên minh đánh chặn...chúng tôi có đủ khả năng để đối phó với mọi mối đe dọa và bảo vệ an ninh quốc gia Arab Saudi".
Chính phủ hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc. Hiện chưa rõ liệu các tên lửa tầm xa Avengers, tên lửa tầm trung I-Hawk do Mỹ chế tạo và tên lửa tầm ngắn Orelikon của Thụy Sỹ chế tạo mà Arab Saudi đang sở hữu có vận hành tốt hay không.
Nhỏ nhưng hữu hiệu
Drone ngày càng sẵn có và là mối đe dọa hiện hữu đối với Arab Saudi (Ảnh: Getty)
|
Nguồn tin an ninh Arab Saudi cùng 2 nguồn tin công nghiệp cho hay chính quyền Riyadh vốn đã nhận thức rõ về mối đe dọa từ drone trong nhiều năm qua và cũng đang thảo luận với các vố vấn để tìm ra giải pháp...nhưng chưa hề lắp đặt thêm hệ thống mới nào. Tháng trước, chính quyền Riyadh đã di dời hệ thống Patriot tới giếng dầu Shaybah sau khi nó bị tấn công. Ngoài ra hệ thống này cũng được lắp đặt tại nhà máy hóa dầu Ras Tanura của công ty Aramco.
"Hầu hết các hệ thống radar phòng không truyền thống đều được thiết kế để ngăn chặn các mối đe dọa tầm cao như tên lửa" - Dave DesToches thuộc ĐH Quốc phòng ở Washington, nhận định - "Các tên lửa hành trình và drone lại hoạt động tầm thấp, vậy nên chúng khó bị phát hiện do độ cong của trái đất. Drone có kích thước quá nhỏ và lại không có tín hiệu nhiệt trên phần lớn các màn hình radar".
Việc đánh chặn drone có thể ngốn thêm vài trăm triệu USD của Arab Saudi, trong khi hệ thống Patriot đã cực kỳ đắt đỏ khi mỗi tên lửa có giá tới 3 triệu USD.
Jorg Lamprecht - Giám đốc điều hành công ty an ninh hàng không Dedrone - nói rằng có nhiều cách hữu hiệu khác khi đối phó với drone, đặc biệt là khi bị tấn công bởi rất nhiều drone. Sự kết hợp giữa máy phát hiện tần số radio và radar sẽ phát hiện ra chúng, các camera cao năng cũng xác định được vũ trang được lắp trên drone, trong khi nhiều công nghệ như chặn sóng cũng giúp triệt hạ drone.
Nhưng ngay cả công nghệ mới nhất cũng có nhược điểm riêng: Chặn sóng có thể ảnh hưởng tới các hoạt động công nghiệp khác và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Ngày nay, các drone ngày càng trở nên sẵn có, bởi vậy mà mối đe dọa đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng tăng lên - theo công ty tư vấn tình báo Mỹ Soufan Group.
Các nhà hoạch định chính sách Arab Saudi từ lâu đã lo ngại về khả năng xảy ra đòn tấn công nhằm vào nhà máy khử muối ở Jubail, phục vụ cho khu vực miền Trung và miền Đông nước này. Một đòn tấn công như vậy sẽ khiến hàng triệu người thiếu nước và mất rất nhiều thời gian để khắc phục.
(Theo Newsweek)