Trong tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần này, Houthi nói rằng các vũ khí của chúng có thể với tới bất cứ đâu trên lãnh thổ Arab Saudi. Các đòn tấn công hôm thứ Bảy tuần trước được thực hiện bởi máy bay được trang bị một mẫu động cơ mới - Houthi nói.
"Chúng tôi đảm bảo với chính quyền Arab Saudi rằng cánh tay dài của chúng tôi có thể với tới bất cứ đâu mà chúng tôi muốn, và vào bất cứ lúc nào" - Yahya Saree, một phát ngôn viên của Houthi, nói trong tuyên bố - "Chúng tôi cảnh báo các công ty và người nước ngoài không nên tới các cơ sở đã bị chúng tôi tấn công, bởi chúng vẫn nằm trong tầm bắn và có thể bị tấn công tiếp vào bất cứ lúc nào".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy các vụ tấn công hôm thứ Bảy bắt nguồn từ Yemen, thay vào đó cáo buộc Iran. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh báo rằng Mỹ đã "nạp đạn, lên nòng" sẵn sàng đáp trả bên đứng đằng sau vụ tấn công. Về phần mình, Iran bác bỏ mọi cáo buộc.
Phía chính quyền Arab Saudi đến nay chưa nêu đích danh một bên nào chịu trách nhiệm vụ tấn công vừa qua. Công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco dự kiến sẽ công bố thông tin cập nhật mới về tình trạng các cơ sở vừa bị tấn công, trong đó có cơ sở lọc dầu thô lớn nhất thế giới nằm ở Abqaiq. Sau vụ việc vừa qua, giá dầu thế giới đã có mức tăng kỷ lục trong ngày, lên 71 USD/thùng, do 5% nguồn cung dầu thế giới bị giảm.
Chính quyền Trump và giới lãnh đạo Arab Saudi giờ phải đối mặt với lựa chọn đầy khó khăn khi phản ứng với Iran hoặc các lực lượng ủy thác của nước này mà không kích hoạt một cuộc xung đột diện rộng - có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với các thị trường dầu khí toàn cầu và kinh tế thế giới.
"Không có cách phản ứng nào tốt nhất ở đây" - Aaron David Miller, chuyên gia phân tích thuộc Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, nói - "Câu hỏi ở đây là, Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn vụ tấn công này trở thành tiền lệ xấu, cùng lúc tránh gia tăng căng thẳng hoặc ngăn chặn các vụ tấn công tương tự trong tương lai mà không gây căng thẳng. Câu trả lời vẫn chưa có".
Tình tiết về vụ tấn công hôm thứ Bảy tuần trước đến nay vẫn chưa rõ ràng. 2 quan chức trong chính quyền Trump cho ngờ rằng có khả năng một số tên lửa hành trình đã được khai hỏa. Các quan chức giấu tên này cũng không loại trừ khả năng kẻ chủ mưu sử dụng các máy bay không người lái (drone) có vũ trang, nhưng lại tin rằng vũ khí của Houthi không thể nào đạt được tầm bắn như vậy.
Chính phủ Mỹ hiện chỉ ra 19 điểm bị tấn công tại cơ sở lọc dầu và giếng dầu Khurais, tất cả trong số đó đều nằm ở mặt phía Bắc hoặc Tây Bắc của các cơ sở, cho thấy vũ khí tấn công xuất phát từ hướng này.
Được biết Iraq nằm ở phía Bắc so với các cơ sở này, và Mỹ cũng từng cáo buộc Iran tích trữ khối lượng lớn thuốc nổ để các nhóm phiến quân đồng minh của họ ở nước này sử dụng. Trong khi Yemen cách khu vực bị tấn công hàng trăm dặm về phía Nam.
Arab Saudi đã tham gia cuộc nội chiến ở Yemen trong năm 2015 nhằm đẩy lùi phiến quân Houthi - nhóm đã chiếm giữ thủ đô Sanaa. Dù đã ra sức không kích và hỗ trợ nhiều nhóm vũ trang trên mặt đất để loại trừ Houthi, nhưng đến nay Arab Saudi vẫn không thể giành lợi thế trong chiến tranh hoặc thiết lập lại Chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi. Trong những tuần gần đây, các lực lượng đồng minh của Arab Saudi đã chĩa súng vào nhau, trong khi Mỹ đang cân nhắc tổ chức đối thoại với Houthi để chấm dứt chiến tranh.