Đường hầm có chiều dài 72,5m; rộng 0,8 – 22,5m và sâu 0,6 – 2,5m. Hầm được chia làm hai khu vực: khu vực 1 sâu 0,66 m, tường bê tông dày 0,6m, có thể chịu được bom 500 cân. Khu vực 2 là hầm trú ẩn sâu 2,5 m; tường bê tông dày 1,6m có thể chịu được bom 2.000 cân.
Căn phòng đầu tiên ở đường hầm là khu vực tham mưu tác chiến. Đây là phòng thu nhận tin tức quân sự từ 4 vùng chiến thuật. Thông qua hệ thống bản đồ tác chiến, bộ phận tham mưu này sẽ cập nhật, theo dõi và đề xuất kế hoạch hoạt động quân sự.
Các phòng trong hầm liên kết với nhau bằng những lối đi nhỏ được đúc bằng bê tông, tường bọc thép 5mm và được trang bị hệ thống thông gió. Đường hầm chủ yếu dẫn đến các phòng chức năng, phục vụ cho hoạt động của tổ chức lúc bấy giờ. Trong hình là phòng mật mã.
Ngoài ra, khu vực 1 còn phòng điều chỉnh công điện, đài phát thanh dự phòng, các phòng thông tin liên lạc, tổng đài điện thoại.
Đây là các thiết bị trong một phần khu vực thông tin liên lạc. Tại đây có nhiều phòng nhỏ khác, là nơi nhận, chuyển, mã hóa các công điện, thay thế đài phát thanh trên mặt đất khi có chiến sự xảy ra. Trước đây nơi này có 41 nhân viên trực, trong đó có 21 điện báo viên, 6 nhân viên. Bộ phận này có nhiệm vụ đảm bảo thông tin xuyên suốt với các chiến trường, các lực lượng và Đại sứ quán của Việt Nam Cộng hòa ở các nước Đông Nam Á.
Phòng ngủ và khu vực làm việc của tổng thống nằm ở khu vực 2. Trong trường hợp khẩn cấp, ông ta sẽ xuống đây bằng thang bộ nối từ phòng làm việc ở tầng 2. Ngày 8/4/1975, khi Dinh Độc Lập bị ném bom, gia đình Nguyễn Văn Thiệu đã trú ẩn tại đoạn hầm này.
Ngày nay, một số khu vực vẫn chưa được phép tham quan. Nhiều lối đi được chặn lại và có biển báo cấm vào. Các lối đi được thiết kế không quá lớn, nhưng vẫn đủ cho hai người di chuyển qua lại. Ngày nay, hầm được trang bị thêm đèn, quạt để phục vụ khách tham quan.
Hầu hết lối đi dưới hầm đều được lát bằng những tấm gạch vuông cũ. Do đó, đặt chân vào đây du khách vẫn sẽ cảm nhận được không khí của Sài Gòn mấy mươi năm trước đó.
Bên trong đường hầm còn lưu lại được nhiều hiện vật từng được sử dụng hoặc sản xuất cùng thời kỳ đó. Ở phía cuối đường hầm là phòng bếp, nơi phục vụ các tiệc chiêu đãi trọng thể trong Dinh Độc Lập như lễ Quốc khánh, Lễ tuyên thệ nhận chức, hay chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia. Bếp được trang bị theo tiêu chuẩn như bếp của các khách sạn 5 sao lúc đó. Toàn bộ thiết bị đều bằng i-nox sản xuất tại Nhật.
Ngoài ra, du khách còn được dịp chiêm ngưỡng chiếc xe Mercedes 200 W110 được sản xuất tại Đức trong khoảng thập niên 60. Đây là một trong những chiếc xe được ông Nguyễn Văn Thiệu sử dụng lúc bấy giờ.
Sau khi tham quan hầm, nếu muốn tìm hiểu thêm thông tin về Dinh hay lịch sử đất nước, du khách có thể vào phòng chiếu phim tư liệu để xem các đoạn băng có nhiều thứ tiếng khác nhau.
Theo VnExpress