HCDC cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ dễ lây nhất với người đồng tính nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại cuộc họp báo chiều nay, 28/7/2022, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc HCDC - cho biết: “Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn COVID-19, nhưng tỷ lệ lây nhiễm cao nhất là ở những người có quan hệ đồng tính nam”.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)

Đậu mùa khỉ lây qua giọt bắn

Thông tin về nguồn gốc của bệnh đậu mùa khỉ, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay: “Bệnh đậu mùa khỉ có mối liên quan hệ với bệnh đậu mùa ở người, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên đàn khỉ thí nghiệm, cho nên bệnh được đặt tên là đậu mùa khỉ. Thực ra dịch bệnh này có thể nhiễm trên nhiều con vật khác như sóc, chuột, thú có túi…”

Ông Nguyễn Hồng Tâm giải thích: “Sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 thì đến năm 1970 bệnh được phát hiện lần đầu tiên trên người, do lây nhiễm từ khỉ sang người. Và tới gần đây thì bệnh vẫn khu trú ở vùng Tây Phi và Trung Phi. Đến đầu năm 2022 thì bệnh bắt đầu lây lan sang các khu vực khác, và đã lây từ người sang người, tức là đã bước sang giai đoạn nguy hiểm hơn trước. Ở giai đoạn trước, chúng ta chỉ cần không tiếp xúc với động vật hoang dã thì sẽ không có nguy cơ lây nhiễm bệnh này, nhưng giờ thì bệnh đã lây từ người sang người”.

“Theo công bố mới nhất của WHO, thì đến hôm nay, đã có 78 nước có bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, với tổng số trên 18.000 người nhiễm bệnh” – Ông Tâm nói.

“Tuy nhiên, con số bệnh nhân tử vong cho đến nay mới chỉ có 5 người và cả 5 bệnh nhân này đều thuộc khu vực châu Phi, các khu vực khác chưa có bệnh nhân tử vong. Qua đó có thể thấy tuy dịch đậu mùa khỉ lây lan nhanh nhưng tỷ lệ tử vong không cao” – Phó Giám đốc HCDC cung cấp.

Bộ Y tế họp khẩn ứng phó bệnh đậu mùa khỉ sau tuyên bố của WHO

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm: “Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ có thể từ 5 đến 21 ngày. Sau đó, sẽ phát sinh triệu chứng, kéo dài từ 2 đến 3 tuần với các dấu hiệu điển hình như sốt, nổi hạch, phát ban (ban đỏ, mề đay, mụn nước, làm mủ, cuối cùng các mụn này sẽ vỡ ra). Đa số ca bệnh lây truyền qua tiếp xúc và bị lây nhiễm qua các dịch tiết của các vết thương đã vỡ ra, đồng thời, lây qua giọt bắn chứ không lây truyền qua không khí như COVID-19”.

Phó Giám đốc HCDC khẳng định: “Đậu mùa khỉ khó lây truyền hơn COVID-19. Những người phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đậu mùa khỉ hoặc sờ chạm vào đồ vật mà bệnh nhân vừa sử dụng mới lây. Đặc biệt, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền mạnh nhất là giới đồng tính nam, do họ có quan hệ tình dục đồng tính, lây nhiễm qua các mụn nước xuất hiện ở vùng kín, hậu môn”.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách HCDC tại cuộc họp báo chiều 28/7. Ảnh: Hòa Bình

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách HCDC tại cuộc họp báo chiều 28/7. Ảnh: Hòa Bình

Đã triển khai nhiều biện pháp giám sát

Sau khi theo dõi diễn biến của dịch đậu mùa khỉ trên thế giới, WHO đã công bố đây là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM cũng đã triển khai nhiều biện pháp giám sát từ cửa khẩu tới cộng đồng.

“Hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu hiện nay đã được đo nhiệt độ, nhưng do đậu mùa khỉ triệu chứng thường ở các khu vực kín, chỉ có người bệnh biết, nên chúng tôi đã khuyến cáo mọi người nếu phát hiện triệu chứng, nghi nhiễm, cần liên lạc ngay với lực lượng kiểm dịch y tế tại sân bay để được khám bệnh ban đầu.

"Với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, hay có khả năng đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ và đã được xác định mắc bệnh đều được khuyến cáo đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để được xét nghiệm PCR và điều trị” – Ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định cho đến hiện tại chưa có hướng dẫn nào về việc sẽ cách ly người bệnh đậu mùa khỉ, chỉ là khuyến cáo hãy đến bệnh viện để được khám sàng lọc, xét nghiệm PCR và được điều trị nếu mắc bệnh.

Vaccine đậu mùa có tác dụng với bệnh đậu mùa khỉ

Trả lời câu hỏi của phóng viên VietTimes về vaccine đậu mùa khỉ, ông Nguyễn Hồng Tâm giải thích như sau: “Kể từ năm 1979 trở về trước thì thế giới có tiêm phòng bệnh này, nhưng từ năm 1980 trở về đây thì bệnh đậu mùa đã chấm dứt trên toàn cầu nên thế giới không tiêm nữa”.

Chính vì lý do này, nên bây giờ sau khi WHO đã tuyên bố cảnh báo lây nhiễm toàn cầu bệnh đậu mùa khỉ thì các quốc gia sẽ bắt đầu lại việc sản xuất vaccine và thúc đẩy quy trình mua vaccine này về thực hiện tiêm chủng.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc HCDC cho biết thêm: “Đậu mùa khỉ là loại bệnh lây do virus, vì vậy vaccine đậu mùa ở người mà trước đây chúng ta đã tiêm chủng cũng có tác dụng với bệnh đậu mùa khỉ”.

Thông tin thêm về thuốc điều trị, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, đến hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chỉ có thể điều trị triệu chứng với căn bệnh đậu mùa khỉ.