Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh
Sáng nay, 25/7, tại cuộc họp giao ban của Sở Y tế TP.HCM, các đơn vị chuyên môn của ngành tiếp tục trao đổi, đưa ra các biện pháp phòng ngừa, đồng thời, có các hướng giám sát, chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, xét nghiệm, thu dung và điều trị khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt là ngành y tế TP.HCM bàn việc xây dựng kế hoạch đáp ứng trước dịch đậu mùa khỉ (xét nghiệm, chẩn đoán, tập huấn, phối hợp thu dung, điều trị...) trình UBND TP.HCM.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế TP đang triển khai các biện pháp tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
"Đây được xem là một nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch của ngành y tế TP.HCM trong giai đoạn hiện nay", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết hiện TP chưa ghi nhận ca bệnh, nhưng cần phải chủ động trong mọi tình huống. Trước mắt cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân biết các triệu chứng ban đầu để kịp thời đến các cơ sở khám, chữa bệnh thăm khám.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chịu trách nhiệm triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải, để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt, phát hiện triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chánh, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể mắc bệnh (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ) thì kiểm dịch viên y tế sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng xây dựng nội dung truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.
WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ |
Bệnh viện nào ở TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân đậu mùa khỉ?
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám) cần tăng cường truyền thông cho người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần). Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm chẩn đoán.
Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố): Khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc (bệnh viện bố trí buồng khám dự phòng để khám sàng lọc, phân công nhân sự sẵn sàng khám sàng lọc khi có trường hợp nghi ngờ cần khám).
Nếu là trường hợp có thể, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được giao phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các cơ sở y tế và các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng...
Ngành Y tế TP.HCM cũng đã có công văn hướng dẫn tạm thời giám sát phòng chống bệnh trên địa bàn gửi đến các cơ sở y tế. Bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện các triệu chứng như phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu gồm sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược. Ngoài ra, còn có những yếu tố dịch tễ mà người bệnh và nhân viên y tế đặc biệt lưu ý gồm: có tiền sử từng tiếp xúc vật lý với người bệnh thông qua da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), tiếp xúc vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh trong vòng 21 ngày. Ngoài ra, du khách đến các quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, cũng được xem là nguy cơ có thể mắc bệnh.