Hậu đại dịch COVID-19, báo chí tử tế liệu sống nổi không?

VietTimes – Trong bối cảnh dịch COVID-19, báo chí nước nhà gặp muôn vàn khó khăn về tài chính. Tuyên truyền chống dịch thì không thể bỏ sót. Người làm báo cũng lăn lộn mọi chốn, mọi nơi, mọi lúc để mang về những thông tin cần chuyển tải đến bạn đọc nhưng nhiều tờ báo đã phải giảm lương, giảm nhuận bút để cầm cự...
Nhà báo

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ báo chí nước nhà trong suốt sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Do đây là thời điểm đất nước vừa trải qua giai đoạn đầu của cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu COVID-19, Thủ tướng cũng đặc biệt ghi nhận vai trò của lực lượng báo chí trong công tác phòng chống dịch. Đó là sự đánh giá công tâm, khách quan nhưng qua đó, người làm báo Việt Nam cũng hiểu rõ một điều, những gì khó khăn của riêng ngành báo chí, tất cả đều được Đảng, Chính phủ hiểu và sẻ chia. Tuy nhiên, liệu rằng rồi đây, hậu đại dịch COVID-19, báo chí tử tế của nước nhà liệu có sống nổi không thì lại là cả một vấn đề không nhỏ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vẫn là câu chuyện ông đánh giá vai trò quan trọng của báo chí qua cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu thì để có được thành quả như vừa rồi, ngành Tuyên giáo và Thông tin - Truyền thông đã làm rất tốt, đóng vai trò quan trọng vào công cuộc phòng chống dịch. Thủ tướng đã nhìn nhận rất công tâm:

“Nếu không có báo chí, không có truyền thông, người dân từ nông thôn, vùng cao đến biên giới, từ trong nước đến nước ngoài sẽ không thể cùng đồng thuận, không thể nâng cao được nhận thức để cùng chiến thắng dịch bệnh”...

“Nếu chúng ta xác định báo chí là sản phẩm trong dịch vụ đặc thù có liên quan công tác tư tưởng văn hóa thì có chính sách ứng xử với báo chí cho phù hợp”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo 

Thế nhưng, cũng trong bối cảnh trên, báo chí nước nhà gặp muôn vàn khó khăn về tài chính. Tuyên truyền chống dịch thì không thể bỏ sót. Người làm báo cũng lăn lộn mọi chốn, mọi nơi, mọi lúc để mang về những thông tin cần chuyển tải đến bạn đọc nhưng nhiều tờ báo đã phải giảm lương, giảm nhuận bút để cầm cự ...

Tuy đây cũng chỉ là khó khăn chung của mọi ngành trong xã hội, song ở góc độ kinh tế báo chí, đây quả là vấn đề cần nghiên cứu để Nhà nước có giải pháp trợ giúp căn cơ hơn bằng chính sách chứ không phải là nhà nước sẽ rót ngân sách nuôi họ.

Trong thực tế, không chỉ có đóng góp trong phòng chống đại dịch như mới đây, trong mọi hoạt động của xã hội, báo chí chính thống qua mọi giai đoạn khác nhau của lịch sử cũng luôn thể hiện vai trò tích cực của mình trong nhiệm vụ tuyên truyền mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân và quốc tế.

Tuy nhiên thực tế cho thấy đã và đang có những bất cập. Giúp cho báo chí không chỉ tồn tại mà còn tồn tại một cách lành mạnh, người làm báo có điều kiện để sống tử tế lại là việc không hề dễ dàng.

Với một doanh nghiệp tùy theo quy mô sản xuất, người ta có thể mở rộng hoặc thu hẹp nhân lực mà vẫn hoạt động bình thường. Nhưng với một tờ báo, người ta không thể tinh giản biên chế đến mức không còn phóng viên hoặc các nhân viên trong tòa soạn. Báo giấy có ra thì vẫn cần đội ngũ phát hành không thể thay bằng công nghệ số như anh khác v.v... Nếu để họ tự thân vận động thì đúng là có những vấn đề không thể giải quyết nổi.

Họ cũng không cần Nhà nước phải hỗ trợ tài chính kiểu bao cấp như trước đây (như một số báo, đài phát thanh, truyền hình mang tính đặc thù, tuy không nhiều). Cái mà họ cần, đó là cơ chế chính sách của nhà nước ta sẽ tạo điều kiện giúp cho họ sống được bằng công sức họ bỏ ra và được phân phối công bằng hơn.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác của Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm chỉ ra một vấn đề không hề nhỏ với báo chí nước nhà do di hại từ COVID-19. Có một nghịch lý là Báo chí khi được đánh giá đã phát huy vai trò lớn, thì cũng là lúc doanh thu đến từ quảng cáo của họ sụt giảm mạnh.

Rất nhiều cơ quan báo chí chứng kiến doanh thu của quý I và quý II năm 2020 giảm đến 70% và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm theo những cái khó khăn chung của nền kinh tế, có thể kéo dài sang đến quý III và thậm chí hết năm 2020.

Ông Thanh Lâm chỉ rõ: ”Chúng ta thấy rằng rất nhiều cơ quan báo chí hiện nay là không còn nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Lúc xã hội cần báo chí nhất thì vấn đề bài toán nguồn lực trở nên vô cùng nan giải, dẫn đến suy nghĩ của những người làm báo tử tế là liệu làm báo tử tế thì có sống được không? Ai sẽ giải quyết cái bài toán này cho báo chí sống được, để phục vụ xã hội? Nếu báo chí phải sống bằng mọi cách, kể cả cách không tử tế thì xã hội được gì và mất gì?”.

Mới đây, ngày 15/7, tại hội thảo “Công tác Tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và tầm nhìn” do Ban Tuyên giáo chủ trì kết hợp với một số đơn vị cũng có những vấn đề đặt ra khiến chúng ta phải suy ngẫm về công tác báo chí.

Khi tham luận về lĩnh vực quản lý báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhận định, trong cơ chế thị trường phát triển hiện nay, chính sách để cho báo chí tồn tại - như kinh tế báo chí - gần như chưa được quan tâm.

Tôi đồng tình với ý kiến này bởi đó là một thực tế Đảng và Nhà nước cần xem xét trong thời gian tới. Ông Vĩnh Bảo cũng cho biết: hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng một số cơ chế chính sách để trợ giúp cơ quan báo chí. Theo ông, “chúng ta nói báo chí phải là công cụ tư tưởng của Đảng, cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, nhưng trong thực tế chính sách về thuế thì ứng xử với các cơ quan báo chí như doanh nghiệp...”

“Nếu chúng ta xác định báo chí là sản phẩm trong dịch vụ đặc thù có liên quan công tác tư tưởng văn hóa thì có chính sách ứng xử với báo chí cho phù hợp”, ông Bảo nói.

Với vai trò quản lý nhà nước, việc điều tiết một phần nguồn thu của các nhà mạng về các cơ quan báo chí tưởng như một việc đương nhiên phải làm lại không hề đơn giản. Vậy vấn đề này báo chí biết kêu ai và ai có quyền điều tiết?

Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí thống nhất kiến nghị cần có chính sách bắt buộc các nhà mạng chia sẻ nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, cần có quy định bảo vệ bản quyền cho báo chí. Bởi theo nhiều người, trong thời đại truyền thông số, bản quyền đang là vấn đề sống còn.

Các bộ, ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về chính sách quảng cáo cho các cơ quan báo chí; có cơ chế đặt hàng sản phẩm truyền thông; tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho cơ quan báo chí...

Là người từng có bốn chục năm làm báo và nay đã nghỉ, song vẫn hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tôi băn khoăn rằng liệu Nhà nước đã thực sự quan tâm đúng mức đến báo chí chúng tôi hay chưa? Bản thân tôi khi còn làm việc cũng không ít lần bày tỏ quan điểm này trước những người có trách nhiệm cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Tiếc rằng vẫn vẫn chưa có gì đột phá trong những chính sách trợ giúp báo chí mấy chục năm nay.

Khi tôi nghe từ chính lời Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm thì cảm thấy rất buồn và rất chia sẻ bởi một phần nguyên nhân của những tồn tại này là hiện nay doanh số quảng cáo, kể cả Nhà nước đặt hàng của toàn bộ nền báo chí Cách mạng Việt Nam tính trong một năm không bằng doanh thu của Facebook tại thị trường Việt Nam.

Câu hỏi tôi muốn đặt ra, là với những tờ báo chấm nhuận bút thông qua lượng view thì những tin tức tuyên truyền mang tính chính trị thuần túy có bao nhiêu người ghé đọc? Và có phải vì thế mà nhiều phóng viên những tờ báo này thường sợ bị phân công theo dõi mảng thời sự chính trị vì thu nhập sẽ thấp do lượng view thấp?

Đã có một thời gian khá dài khi Luật báo chí chưa được sửa đổi, Việt Nam ta coi việc làm báo khá đơn giản. Báo in ra là sẽ có người mua. Nhưng đó là thời kỳ đất nước đổi mới từ năm 1986 cho đến đầu những năm 1990, khi mà giấy báo còn vô cùng khan hiếm. Muốn có giấy in ra tờ báo là phải trông chờ vào chỉ tiêu giấy được Bộ Văn hóa Thông tin phân bổ cho các tòa soạn, nó rất rẻ nên báo nào chỉ cần được phân bổ nhiều chỉ tiêu mà in lại ít so với thực tế là đã có thể bán lại kiếm lời nhiều hơn là in ra rồi ế, bán giấy lộn. Chuyện hài hước và cười ra nước mắt ấy là có thật và nguồn cơn là vậy. 

Báo in ngày đó cũng cơ cực vô cùng vì muốn in nhiều bản thì cũng đồng thời phải lo được nguồn giấy có giá dễ chịu nhất. Độ ấy, những tờ không được bao cấp về giấy in cũng như lương cứng cho cán bộ phóng viên, tức phải tự chủ kinh phí hoàn toàn, mà vớ phải dịp Quốc hội họp xong ban hành các bộ luật liên hồi kỳ trận thì xem như lỗ nặng. Hoặc là mỗi kỳ Đại hội Đảng các cấp toàn quốc rồi Đại hội Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam những báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền phong chúng tôi do đều phải in khối lượng văn kiện rất lớn nên cân đối thu chi rất căng thẳng. Thanh niên, Tuổi trẻ lúc đó lại có "ấn lượng" cực lớn cho nên cứ mỗi lần như thế, tờ báo lại không có lãi thậm chí phải chịu lỗ !

Bạn đọc càng đông ấn lượng càng lớn mà giá bán lại rất rẻ như Thanh niên và Tuổi trẻ nếu không có nguồn quảng cáo bù đắp thì chắc chắn sẽ lỗ cực nặng. Điều này hình như các cơ quan chức năng lại rất "vô tư", không để ý (?!).

Chúng ta trong rất nhiều năm đã thiếu đi sự rạch ròi, phân minh ở khía cạnh kinh tế báo chí từ những việc tưởng nhỏ mà rất căn cơ này chứ chưa kể những việc lớn và bao quát hơn. Thực tế, nhiều cơ quan báo chí phục vụ tuyên truyền chính trị lại không bao giờ được Nhà nước trợ giúp tài chính, trong khi đó thuế má vẫn phải nộp đủ, không giảm, không trừ, không khác gì một doanh nghiệp thuần túy kinh doanh.

Điều này cho thấy Nhà nước ngày đó chưa tự xem mình là khách hàng ruột của báo chí. Khẳng định báo chí quan trọng, song đã quan tâm, có chính sách gì căn cơ thiết thực giúp cho báo chí sống lành mạnh để có thể đóng góp xứng đáng vào sự phát triển bền vững của đất nước chưa thì phải nói là chưa.

Đây là điều có lẽ cần phải thay đổi, nhất là lúc này nếu Đảng, Nhà nước muốn báo chí sống được nhưng là sống tử tế thì nên chăng có giải pháp nào đó phụ trợ và phải coi mình là khách hàng chính của báo chí chính thống và không nên phân biệt quá. Tuy nhiên, muốn vậy thì cũng nên quy hoạch lại cho gọn, không cần quá nhiều báo như hiện nay.

Quay trở lại câu chuyện các nhà mạng lúc này vẫn không chấp nhận ăn chia với báo điện tử về nguồn thu. Họ cho rằng báo điện tử cũng nhờ họ mà có nguồn thu quảng cáo. Vì thế, xét cho cùng thì cả hai đều có lợi và bình đẳng. Nói như vậy theo tôi cũng chưa thật chính xác. Song, để có người làm trọng tài phán xét việc này, nhất là lúc kinh tế suy thoái sau đại dịch, tôi nghĩ rất cần có vai trò cầm trịch của Nhà nước thì mới có thể giải quyết.

Trước đây, nói chung nguồn thu của báo chí thường là từ bán báo và quảng cáo, nhưng nay đã khác, theo như quy định của Luật Báo chí sửa đổi (Điều 21). Đây cũng là nét tích cực sau nhiều năm ban hành Luật. Nên chăng, Nhà nước phải tính giúp để từng cơ quan báo chí tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà có cách tăng nguồn thu phù hợp?

Nhờ có nguồn thu phong phú hơn, các báo sẽ sống khỏe hơn, đủ nuôi nhau một cách tử tế, tránh đi những cách kiếm tiền bằng câu view rẻ tiền hoặc "đánh đấm”, dọa nạt doanh nghiệp khi biết họ có sai sót tuy chưa đến mức phải viết song vẫn cứ viết để kiếm quan hệ, kiếm cái hợp đồng hợp tác với mỹ từ "bảo trợ truyền thông".

Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhìn quá khứ đến hiện tại, tôi có một số đề xuất như sau với các cơ quan có trách nhiệm mà báo chí đang đồng hành cùng trên một con đường:

Thứ nhất, nếu xác định báo chí như một công cụ đắc lực phục vụ Đảng và Nhà nước thì không nên coi báo chí như một doanh nghiệp thuần túy, để từ đó có những chính sách phù hợp hơn giúp báo chí sống được một cách tử tế, đặng phục vụ đất nước hiệu quả hơn. Tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt, lành mạnh không có nghĩa là chỉ nói và động viên suông mà phải có chính sách cụ thể, nhất quán, sát sườn, phù hợp.

Thứ hai, không cần thiết cho ra đời quá nhiều cơ quan báo chí để rồi khó kiểm soát, lợi bất cập hại. Chủ trương và kế hoạch quy hoạch báo chí từ này đến 2025 hiện đã và đang được triển khai. Theo tôi việc này về cơ bản là đúng và cần thiết sau nhiều năm chúng ta bung ra đến mức quá đà (do luật lại cho phép mà đã là luật thì cũng không ai có quyền hạn chế nó).

Song, về cách làm, tôi nghĩ cũng rất cần sự mềm dẻo và linh hoạt. Chúng ta không nên cứng nhắc và cào bằng giữa các báo với nhau khi quy hoạch. Phải căn cứ từ thực tiễn và tính hiệu quả (thậm chí cả yếu tố kinh tế) cũng như tầm ảnh hưởng xã hội của mỗi đơn vị báo chí mà vận dụng nó một cách linh hoạt và giúp họ phát triển lành mạnh. Các nhà báo phải sống được với nghề, không phải nghĩ đến chuyện này chuyện khác. Từ đó, trách nhiệm của họ trước xã hội sẽ phải cao hơn, nặng nề hơn và không có cớ gì để nảy sinh tư tưởng tiêu cực khi hành nghề...

Thứ ba, việc thưởng phạt với báo chí cũng phải phân minh, nhân văn và mang tính khích lệ động viên nếu báo chí làm tốt. Đồng thời cũng cần xử phạt nghiêm khắc để răn đe, ngăn ngừa tái phạm, nhất là đối với những sai lầm, sai phạm về quan điểm, về tư tưởng chính trị.