Thế “chân kiềng” giúp Việt Nam bước đầu chiến thắng dịch COVID-19

Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Là quốc gia nguồn lực kinh tế hạn hẹp, nhưng sau gần 4 tháng “chiến đấu” với dịch COVID-19, Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch thành công, được thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao. Thành công này cơ bản dựa vào 3 yếu tố nguyên nhân có tính chất chân kiềng: sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sự minh bạch của hệ thống chính trị, và sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân.

Đã sang ngày thứ 30 không có bệnh nhân mắc trong cộng đồng, cho đến nay tổng số mới chỉ có hơn 300 bệnh nhân, trong đó 78 ca lây nhiễm tại cộng đồng, còn lại đều từ nước ngoài về; đặc biệt, gần 90% đã được điều trị khỏi và chưa có ca tử vong.

Đây thực sự là kết quả đáng tự hào trong điều kiện Việt Nam có đường biên giới bộ với Trung Quốc dài hàng nghìn km và Hà Nội chỉ cách tâm dịch Vũ Hán hơn 1.000 km; ngoài ra, Việt Nam còn đã đón hàng trăm ngàn người từ vùng dịch ở các nước phương Tây trở về.

Lòng dân đồng thuận

Trong vụ dịch lịch sử này, Việt Nam có yếu tố rất quan trọng là lòng dân - điều kiện tiên quyết để mọi chỉ đạo của Nhà nước đi vào cuộc sống. Khảo sát vào cuối tháng 3/2020 của Poll Dalia Research (Đức) cho thấy người dân Việt Nam tin tưởng vào phản ứng của Chính phủ đối với đại dịch ở mức cao nhất trong số tất cả các nước được thăm dò.

Minh bạch và quyết liệt

Không như một số ý kiến cho rằng người Việt Nam miễn dịch tốt, nên mắc ít, thực tế có gần 50 người mắc dịch COVID-19 từ UAE và Nga về, cùng với hơn 10 người Việt ở Nga tử vong do COVID-19 được đưa về nước, đã chứng tỏ kết quả hôm nay của Việt Nam là do công tác phòng, chống dịch được làm tốt.

Có được điều này là bởi những bước đi của Việt Nam từ những ngày đầu chống dịch hoàn toàn chính xác với những giải pháp đồng bộ, nhất là chủ động áp dụng mức độ cao hơn so với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chỉ 1 tuần sau ca mắc đầu tiên ở Việt Nam được công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia (BCĐQG) phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban. Hai chuyên gia phòng dịch hàng đầu lập tức được mời tham gia chống dịch, là GS. Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - được đưa trở lại vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng được mời làm Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Những cuộc họp khẩn của BCĐQG và của Bộ Y tế liên tục diễn ra, xuyên suốt những ngày Tết cổ truyền. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "chống dịch như chống giặc" đồng thời khẳng định: Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

Đặc biệt, sự minh bạch được đặt lên hàng đầu và chính điều này đã tạo nên cuộc đồng hành của Chính phủ và Nhân dân trong phòng, chống dịch.

Vào cuộc từ đầu, ngành Y tế đã chủ động xây dựng kịch bản cho từng tình huống dịch, lên danh sách các bệnh viện (BV) tuyến đầu sẽ điều trị bệnh nhân Corona. Hệ thống báo động đỏ được kích hoạt ở tất cả các BV.

Tại cuộc họp báo đầu tiên về dịch bệnh, cả 4 thứ trưởng Bộ Y tế đều lần lượt báo cáo chi tiết công tác chuẩn bị phòng, chống dịch, để thông tin đầy đủ các nội dung mà Bộ Y tế đã chuẩn bị: thuốc men, thiết bị y tế, cơ sở vật chất, công tác dự phòng, v.v. đều đã sẵn sàng.

Bởi thế, ngay khi dịch xâm nhập vào Việt Nam, các bác sĩ đã kiên cường chiến đấu suốt nhiều ngày đêm, giành giật lại sự sống cho từng bệnh nhân với kết quả 16/16 bệnh nhân đều ra viện. Điều này tạo nên dấu ấn mạnh mẽ cho y tế Việt Nam mà chính WHO đã ghi nhận.

Chưa bao giờ công tác truyền thông được ngành Y tế làm tốt như lần này. Từng diễn biến về dịch bệnh đều được Bộ Y tế chủ động công bố kịp thời, minh bạch cho báo chí, để người dân hiểu đúng về sự cấp bách, tính nghiêm trọng của dịch bệnh. Truyền thông được tổ chức dưới mọi hình thức: báo chí, pano, áp phích, âm nhạc, phim ảnh, với đủ thứ tiếng: Trung, Hàn, Anh, Pháp, Việt, v.v.

Chính sự minh bạch thông tin đã thuyết phục báo giới đồng hành cùng Bộ Y tế, lên tiếng mạnh mẽ, giúp cho tin giả vốn luôn đi liền với dịch bệnh bị đẩy lùi.

Cũng lần đầu tiên quân đội ra quân trên quy mô toàn quốc để ứng phó với dịch bệnh, tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế. Những người lính trong thời bình lại khẳng định sứ mệnh cao cả với việc phục vụ chu đáo hàng chục ngàn người ở các khu cách ly, rồi bảo vệ tuần tra biên giới.

Mặc dù WHO khuyến cáo không đóng cửa đi lại với Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn chủ động cắt các chuyến bay từ vùng dịch Trung Quốc về, kiểm soát chặt biên giới; tổ chức cách ly tập trung; tăng cường điều tra dịch tễ trong cộng đồng v.v.

Phải khẳng định rằng giai đoạn 1 chúng ta làm rất tốt, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, khi chỉ có 16 trường hợp đều từ nước ngoài vào và đều được ra viện, rồi hơn 20 ngày sau không có người mắc mới.

Đã có 260 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh
Đã có 260 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Quyết tâm quốc gia

Sau ca nhiễm 17 xuất hiện tại Hà Nội, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 thực sự thử thách. Ngay trong đêm đó, lãnh đạo Hà Nội họp khẩn. Một ngày sau, BCĐQG thành lập ngay Tổ phản ứng nhanh, dùng công nghệ thông tin để truy tìm những hành khách trên các chuyến bay có người mắc COVID-19 trước đó, để giám sát y tế.

Hàng loạt quyết định tiếp tục được phê chuẩn, thể hiện quyết tâm quốc gia nhằm ngăn chặn dịch COVID-19: Yêu cầu khai báo y tế toàn dân, xét nghiệm bắt buộc đối với du khách, bắt buộc sử dụng khẩu trang nơi công cộng; đóng cửa biên giới, dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh v.v. Tiếp đó, Chính phủ chủ động cắt cầu hàng không với nhiều nước.

Tất cả hành khách trên các chuyến bay từ vùng dịch về đều phải cách ly tập trung 14 ngày với nhiều hình thức: cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Tuy còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn có chính sách không thu phí với tất cả những người cách ly, đồng thời, miễn phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19.

Hàng nghìn nhân viên y tế dự phòng có mặt ở các cửa khẩu quốc tế để sàng lọc người nghi nhiễm. Suốt nhiều ngày khi cầu hàng không chuẩn bị ngưng hoạt động, dòng người ùn ùn đổ về, các nhân viên y tế phải làm việc thâu đêm để kịp giám sát y tế số người nhập cảnh. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) quá tải đến nỗi phải “cầu cứu” Trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ 100 sinh viên cùng hơn 30 bác sĩ giúp sàng lọc người nhập cảnh.

Bộ Y tế lập tức cho đánh giá và công nhận một loạt phòng xét nghiệm đạt chuẩn được phép xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Đây là bước đi quan trọng để việc xét nghiệm được nhanh hơn, có kết quả sớm hơn, góp phần quản lý nguồn lây.

Số ca bệnh nặng xuất hiện, Bộ Y tế thành lập Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID -19 diễn biến nặng, nguy kịch, do GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam – làm tổ trưởng và các thành viên là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực. Hàng ngày, Tổ hội chẩn cùng lãnh đạo Bộ Y tế hội chẩn trực tuyến với các BV điều trị COVID-19 trên toàn quốc, tư vấn cách điều trị từng trường hợp cụ thể. Bộ Y tế còn tập trung tối đa thiết bị y tế để điều trị cho các bệnh nhân nặng. Đó là lý do đến nay, Việt Nam chưa có ca tử vong do COVID-19.

Gian truân lại phát sinh khi ổ dịch ở BV Bạch Mai bùng phát. Nhưng, Chính phủ cùng với Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra biện pháp cực kỳ hiệu quả: Lệnh phong tỏa BV được thực thi, mặc dù việc lần đầu tiên trong lịch sử phải đóng cửa một BV đa khoa lớn nhất cả nước là điều vô cùng khó khăn, khi BV từng đi qua 3 cuộc chiến tranh mà chưa từng khuất phục.

Hàng nghìn bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới, gần 1.000 người nhà bệnh nhân được đưa đi cách ly, gần 10.000 người liên quan đến BV Bạch Mai được xét nghiệm. Những khối lượng công việc khổng lồ đã được ngành y tế phối hợp với lực lượng công an làm rất nhanh chóng, rất hiệu quả, để sau 14 ngày, 12/4, lệnh phong tỏa BV được dỡ bỏ.

Để có một bước đi quyết định trong ứng phó với dịch, Thủ tướng còn quyết định cả nước thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày, từ 1/4 đến 15/4.

Tất cả những biện pháp đồng bộ đó đã mang lại hiệu quả, khi số người mắc giảm nhanh và số người được điều trị khỏi ngày càng tăng.

Trong lịch sử loài người chưa bao giờ thấy một dịch bệnh nào có mức độ tấn công ghê gớm như dịch bệnh này, rất dễ lây và khó phòng chống. Nhưng với chiến lược “chống dịch như chống giặc”, cùng với chủ trương “phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, điều trị hiệu quả”, nên mặc dù hệ thống y tế còn yếu và ngân sách dành chống dịch còn khiêm tốn, Việt Nam đã bước đầu chiến thắng dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Khó khăn vẫn còn trước mắt khi tới đây, những chuyến bay tiếp tục đưa người Việt từ các vùng dịch trên thế giới trở về nước. Nhưng với những gì đã làm được, chúng ta có quyền tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng dịch COVID-19!