Một nghị quyết kêu gọi rút hết binh sĩ nước ngoài khỏi lãnh thổ Iraq đã được Quốc hội Iraq thông qua vào hôm cuối tuần trước. Văn bản không ràng buộc vẫn chưa được chính phủ Iraq xem xét này được đưa ra nhằm phản ứng trước vụ ám sát chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, tướng Qasem Soleimani, cùng một số tướng lĩnh quân đội khác của Iran và Iraq - trong đó có thủ lĩnh lực lượng dân quân PMU của Iraq Abu Mahdi al-Muhandis.
Chính quyền Washington tỏ ra thản nhiên trước nghị quyết của Quốc hội Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn lên tiếng bảo vệ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở quốc gia này, khẳng định rằng người dân Iraq ủng hộ điều đó.
"Chúng tôi tự tin rằng người dân Iraq muốn Mỹ tiếp tục ở đó để thực hiện chiến dịch chống khủng bố" - ông Pompeo nói với kênh Fox News.
Nhưng ông Pompeo dường như quên một thực tế rằng quân đội Mỹ đã từng tấn công các lực lượng của Iraq. Lực lượng dân quân PMU của Iraq, vốn đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là một nhánh của quân đội Iraq - theo chuyên gia phân tích Nicolas J.S Davies.
"Giờ sẽ có một cuộc đối đầu giữa chính phủ Iraq và chính phủ Mỹ. Mỹ đã tấn công các lực lượng vũ trang của Iraq, đó là cách mà chuyện này bắt đầu" - ông Davies nói với hãng thông tấn RT của Nga - "Chính phủ Iraq hoàn toàn có quyền để yêu cầu Mỹ rời khỏi, và nếu Mỹ phản đối đề nghị này, vậy thì một cuộc đối đầu lớn sẽ xảy ra".
Việc sát hại tướng Soleimani cùng các đối tác của ông không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc quốc tế mà còn vi phạm thỏa thuận giữa chính quyền Baghdad và Washington; ông Davies nhấn mạnh, bởi vậy mà động thái mới nhất của Quốc hội Iraq không có gì là bất ngờ.
"Mỹ thực sự đang hành xử như một quốc gia bất hảo (Rogue state) ở thời điểm này. Hành động của họ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế xét theo nhiều góc độ" - ông DAvies nói, thêm rằng binh sĩ Mỹ tới Iraq là theo lời mời của chính phủ Iraq.
Còn theo nhà báo kiêm chuyên gia phân tích Andre Vltchek, quyết định của Quốc hội Iraq là một "diễn biến lớn" đối với đất nước này, giúp họ tiến gần hơn một bước tới việc chấm dứt sự chiếm đóng kéo dài.
"Chúng ta chưa từng thấy quân đội Mỹ rời đi chỉ bởi vì Quốc hội của nước bị chiếm đóng không bỏ phiếu để thực thi điều đó. Bởi vậy, thật không dễ dàng để Iraq loại bỏ quân đội Mỹ và NATO" - ông Vltchek nói với RT.
Chính quyền Washington được cho là sẽ vận dụng "đủ mọi chiêu bài" để ở lại Iraq; ông Vltchek nói. Việc di chuyển các lực lượng tới khu tự trị của người Kurd ở Iraq "như họ đã từng làm trong quá khứ" là một cách mà Mỹ có thể lựa chọn. Thế nhưng, tình hình trong khu vực hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm bắt đầu cuộc chiến ở Iraq năm 2003, và các thế lực vùng miền cùng các nhóm vũ trang địa phương cũng thể hiện rõ sự đoàn kết. Cái chết của tướng Soleimani càng khiến các phe phái đoàn kết hơn.
Ông Michael Maloof - cựu quan chức Lầu Năm Góc - thì nhận định rằng mong muốn hất cẳng Mỹ khỏi Iraq có thể không thành, bởi các chính trị gia của Iraq - trong đó có cả Thủ tướng lâm thời, người đang dẫn dắt nỗ lực này - trước đây tỏ ra khá do dự trong việc này, tức ở thời điểm trước vụ không kích khiến tướng Soleimani tử nạn.
"Trước khi xảy ra vụ ám sát tướng Soleimani, đã tồn tại sự bất đồng trong hàng ngũ các quan chức người Shi'ite (của Iraq), đó là nguyên nhân mà họ không thể đưa ra quyết định. Họ đã thảo luận về vấn đề đó suốt nhiều tháng liền - việc loại bỏ sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ - để tránh xảy ra vấn đề mà giờ chúng ta đang chứng kiến" - ông Maloof nói.
Theo ông Maloof, các lực lượng địa phương Iraq giờ đã đủ khả năng để dập tắt mối đe dọa khủng bố hiện hữu - và giờ là lúc binh sĩ Mỹ "bị hất cẳng" thay vì tự rời khỏi Iraq sau khi hoàn thành nhiệm vụ của họ.
"Câu hỏi bây giờ là: Nếu được yêu cầu rút hết quân, liệu Mỹ có rời khỏi Iraq hay không? Nếu họ không làm thế, vậy thì một lần nữa họ lại trở thành một lực lượng chiếm đóng".