|
Rạng sáng ngày 23/10 (giờ địa phương), cảnh sát Anh phát hiện 39 nạn nhân chết thảm trong "cỗ quan tài kim loại" là chiếc thùng xe đông lạnh tới -25 độ C. |
Trao đổi với VietTimes, luật sư Hà Hải – Đoàn Luật sư TP.HCM - nhận định mặc dù việc đưa thi hài hoặc di hài của người Việt Nam tử vong ở nước ngoài về quê hương đòi hỏi thủ tục phức tạp, nhất là khi các nạn nhân này đều không có giấy tờ tùy thân, nhưng trường hợp 39 nạn nhân tử vong ở Anh đã được Chính phủ Anh xác nhận đều là công dân Việt Nam, thì thi hài hoặc di hài của họ sẽ được đưa về Việt Nam thông qua con đường ngoại giao. Theo thông lệ quốc tế, chính phủ các nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để đưa các nhân về quê hương.
“Chi phí đưa những nạn nhân hồi hương sẽ không có một con số cụ thể, tùy vào tình hình thực tế tại nước sở tại. Tuy nhiên đây là một sự việc đáng đau buồn nên ít nhiều sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và chính quyền nước sở tại” - luật sư Hà Hải dự đoán.
Theo luật sư Hà Hải, Việt Nam không có yêu cầu cụ thể về việc bao bọc thi hài hoặc di hài trong quá trình di chuyển. Việc này chủ yếu tuân thủ theo yêu cầu của nước sở tại. Theo đó, công ty mai táng tại Anh sẽ đảm bảo lo các công tác chuẩn bị trọn gói từ A-Z, từ việc nhận xác, bọc xác, đưa lên máy bay.
Với trường hợp số lượng người tử vong chỉ là 1,2 người thì có thể họ sẽ được đưa về trên máy bay dân sự, để cùng khoang hành lí kí gửi, nhưng được sắp đặt kĩ càng, cẩn thận. Riêng với trường hợp 39 người thiệt mạng tại Anh thì nhiều khả năng thi hài, di hài các nạn nhân sẽ được đưa về bằng máy bay riêng.
Toàn bộ khoản chi phí cho những việc này sẽ được công ty mai táng được lựa chọn tại nước sở tại báo giá với Đại sứ quán Việt Nam tại Anh. Và Đại sứ quán cũng chính là cơ quan thay mặt các gia đình nạn nhân làm việc, thương thảo về các nội dung yêu cầu với công ty mai táng. Đại sứ quán cũng đồng thời là đầu mối thay mặt gia đình thanh toán toàn bộ các khoản phí cho thủ tục hậu sự này.
Cũng theo luật sư Hà Hải, nếu gia đình nạn nhân không có đủ điều kiện kinh tế để đưa thi hài hoặc di hài về nước thì Đại sứ quán Việt Nam tại Anh sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí. Số tiền này được trích từ Quỹ Hỗ trợ công dân của Đại sứ quán để chi trả cho công ty mai táng.
Gia đình các nạn nhân chủ yếu là lao động nghèo, nên trong trường hợp gia đình không có tiền hoặc không có đủ tiền để đưa nạn nhân về quê hương, thì tùy vào tình hình thực tế mà Đại sứ quán Việt Nam tại Anh sẽ quyết định đưa các nạn nhân về dưới dạng thức thi hài hoặc đưa tro cốt về Việt Nam.
“Trên thực tế, không có quy định nào yêu cầu Đại sứ quán phải hỗ trợ đưa thi hài về và nếu gia đình nạn nhân không đủ khả năng kinh tế, Quỹ Hỗ trợ công dân của Đại sứ quán cũng không gom góp đủ tiền, thì Đại sứ quán buộc lòng phải lựa chọn phương án 2 là hỏa thiêu rồi đưa tro cốt về Việt Nam. Quyết định này là thuộc thẩm quyền của Đại sứ quán, mà cụ thể là Bộ phận Bảo hộ công dân”, Luật sư Hà Hải nói.
Theo nguồn tin riêng của VietTimes, chi phí của việc bảo quản và vận chuyển thi hài từ Anh về Việt Nam lên đến 4.000 bảng Anh/lượt (tương đương 120 triệu đồng). Trong khi đó, nếu là tro cốt thì chi phí cũng vào khoảng 1.700 bảng Anh/lượt (khoảng hơn 50 triệu đồng).
Một nguồn tin khác cho biết, trong số 39 nạn nhân thiệt mạng tại Anh, có 3 nạn nhân được gia đình đề nghị nhận di hài (tro cốt) và 36 nạn nhân được gia đình đề nghị đưa nguyên thi hài về quê hương.