Từ 24g ngày 15-8, các kênh truyền hình tương tự mặt đất (analog) chính thức ngừng phát sóng tại bốn TP là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ để chuyển sang xem truyền hình thông qua các kỹ thuật truyền dẫn sóng khác.
Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình VN đã yêu cầu Đài truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài PT-TH Hà Nội, Đài truyền hình TP.HCM, Đài PT-TH Hải Phòng, Đài PT-TH Cần Thơ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ thời điểm này.
10 triệu hộ dân nằm trong địa bàn số hóa truyền hình
Ngày 15-8 sẽ là mốc đánh dấu hoàn thành giai đoạn 1 của lộ trình số hóa truyền hình đã được Chính phủ phê duyệt. Ở lộ trình cắt sóng tiếp theo, trong giai đoạn 2 sẽ tiếp tục ngừng phát sóng truyền hình analog để chuyển sang truyền hình số mặt đất tại các tỉnh ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng trước ngày
31-12-2016, giai đoạn 3 là thực hiện đối với các tỉnh duyên hải miền Trung trước ngày 31-12-2018. Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Phan Tâm cho biết.
Không chỉ bốn TP nói trên, việc ngừng phát sóng truyền hình analog sẽ ảnh hưởng tới địa bàn 19 tỉnh lân cận. Do đó, có hơn 10 triệu hộ dân nằm trong địa bàn số hóa truyền hình kể từ ngày 15-8. Theo đó, Hà Nội có khoảng 10,7% hộ dân hoàn toàn phụ thuộc vào việc xem truyền hình trên các kênh phát analog. Con số này ở Hải Phòng là 10%, TP.HCM 3,9% và cao nhất là Cần Thơ với 27,9%.
Để hỗ trợ các hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo tại các địa phương chính thức ngừng phát sóng, tổng cộng đã có khoảng 413.000 hộ nghèo và cận nghèo của ba TP Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và 19 tỉnh thành bị ảnh hưởng được hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình VN, còn gần 180.000 hộ nghèo và cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới cần được tiếp tục hỗ trợ thiết bị đầu thu.
“Việc trang bị đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới đang được thực hiện với mục tiêu đảm bảo hoàn thành trước giờ ngừng phát sóng” - ông Đoàn Quang Hoan, cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, khẳng định.
Còn nhiều khó khăn về kỹ thuật
Theo ông Đoàn Quang Hoan, thời điểm cắt sóng của giai đoạn 1 đã phải kéo dài do những khó khăn từ tình hình thực tế. Khó khăn lớn nhất là VN thực hiện số hóa truyền hình trong điều kiện còn quá nhiều chương trình truyền hình analog.
Số lượng các hộ dân trong diện cần hỗ trợ thiết bị chuyển đổi lớn, phần hỗ trợ được thực hiện từ ngân sách nhà nước nên cần thời gian để triển khai theo quy định về đấu thầu. Mặc dù được tuyên truyền nhưng vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu và chủ động thực hiện việc chuẩn bị chuyển đổi. Cụ thể, tại một số nơi, nhiều hộ dân phải đến khi bị cắt sóng mới mua đầu thu kỹ thuật số.
Yêu cầu chất lượng kỹ thuật của truyền hình số phức tạp hơn truyền hình mặt đất cũng là một khó khăn ảnh hưởng đến việc chuyển đổi và sử dụng của người dân. Ông Hoan nói: “Nếu như đối với truyền hình analog, tín hiệu kém, màn hình nhiễu cũng vẫn xem được. Nhưng đối với truyền hình kỹ thuật số, nếu tín hiệu kém là người dân sẽ hoàn toàn không xem được.
Chất lượng tín hiệu phụ thuộc vào công suất các trạm phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số. Vì thế, nếu ở những vùng phủ sóng kém, tín hiệu yếu, việc xem truyền hình kỹ thuật số của người dân sẽ bị ảnh hưởng và phải được hướng dẫn để xử lý, ví dụ như cần thay đổi vị trí gắn ăngten”.
Bộ Thông tin - truyền thông khuyến cáo người dân nên mua thiết bị thu kỹ thuật số có dán tem hợp quy do Cục Viễn thông cấp để đảm bảo chất lượng. Đối với tivi, các loại có chức năng thu truyền hình số tích hợp sẽ có dán biểu tượng truyền hình số. “Có 63 loại thiết bị đạt tiêu chuẩn được dán tem. Người dân nên mua tại các đại lý chính thức để đảm bảo cả chất lượng và giá cả” - ông Hoan lưu ý.
Hiện nay khoảng 20 mã sản phẩm được bán trên thị trường. Các hãng đang bán đầu thu DVB-T2 như VTV, VTC, VNPT... Về tính năng, tất cả đầu kỹ thuật số có tính năng giống nhau nhưng tính năng thu sóng tốt và ổn định tùy vào công nghệ của mỗi hãng, giá dao động 500.000-890.000 đồng/cái.
Theo Tuổi trẻ