|
Công tác quản lý biệt thự cũ tại Thủ đô còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Giang Huy. |
Theo kết quả giám sát: 63 biệt thự tự phá dỡ, xây mới cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng; 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng; 2 biệt thự báo cáo là không tìm thấy nhưng thực tế đã tìm thấy; 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế vẫn còn là biệt thự (16 biệt thự vẫn còn; 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng); 45 nhà (biệt thự) báo cáo không phải là biệt thự thì thực tế có 8 nhà là biệt thự…
Bên cạnh đó, mặc dù Thủ tướng, UBND thành phố có chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự song Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ.
312 biệt thự trên bị thanh tra sau khi các đại biểu HĐND thành phố chất vấn gay gắt tại các kỳ họp năm 2014. Trong kỳ họp HĐND vào tháng 7/2014, khi UBND TP có Tờ trình về đề án quản lý quỹ biệt thự và đưa số biệt thự trên nằm ngoài danh mục quản lý theo quy chế. Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho rằng “có sự dối trá của cơ quan quản lý" và đề nghị quy trách trách nhiệm các đơn vị liên quan.
Cũng tại kỳ họp, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực đã đưa ra những bằng chứng cụ thể để chứng minh báo cáo của UBND TP về một số biệt thự không chính xác. Các đại biểu tiếp tục chất vấn lãnh đạo thành phố Hà Nội về nội dung trên tại phiên họp HĐND cuối năm 2014.
Ngày 25/4/2015, thanh tra thành phố đã có kết luận thanh tra 312 biệt thự. Tuy nhiên, kết luận trên đã không được UBND TP Hà Nội công khai.
Năm 2011, Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nộiđã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc (Đại học Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố.
Từ kết quả chấm điểm, Hà Nội đưa 1.253 căn vào danh mục thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 và được phân thành 3 nhóm.
Nhóm một gồm 225 căn (được đánh giá từ 70 đến 100 điểm) là những biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, các sự kiện chính trị được được xếp hạng theo quy định của pháp luật, các biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc; Nhóm 2 có 382 căn (50-69 điểm) là những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm một; chiếm số lượng lớn nhất là nhóm 3 với 646 biệt thự (dưới 50 điểm) không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Theo xếp loại trên, 312 biệt thự bị loại bỏ khỏi Quy chế quản lý, sử dụng do không còn giá trị bảo tồn, tôn tạo. UBND thành phố Hà Nội lý giải, những biệt thự đó thuộc diện "đã bị xây dựng mới; bị phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại một phần; biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng; biệt thự xây dựng sau năm 1954; nhà mặt phố trước đây bị xác định nhầm là biệt thự; một số trường hợp bị nhầm địa chỉ".
Theo VNE