Hàng nhập lậu Trung Quốc “khuynh đảo” hai thành phố lớn

Theo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội và TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình buôn bán hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng tiêu dùng  phần lớn xuất xứ Trung Quốc.
Hàng nhập lậu Trung Quốc vẫn được bán tràn lan trên thị trường.
Hàng nhập lậu Trung Quốc vẫn được bán tràn lan trên thị trường.

Thông tin Chi cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết, hiện nay, tình hình hoạt động của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi và phức tạp. Hàng ngày lượng thuốc lá ngoại nhập lậu vào thị trường TP.HCM với số lượng khá lớn. Do mức chênh lệch giá thuốc lá ngoại giữa thị trường Campuchia và thị trường TP.HCM rất cao cho nên các đối tượng buôn lậu bằng nhiều thủ đoạn vận chuyển khá tinh vi, khó kiểm tra, khó phát hiện như thay đổi cung đường vận chuyển khi đi qua địa bàn Củ Chi, vận chuyển với số lượng ít (mỗi lượt vận chuyển từ 150 đến 300 bao thuốc lá ngoại nhập lậu), cất giấu rất kỹ nhằm qua mắt lực lượng chống buôn lậu.

Các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu trên kênh Thầy Cai đến điểm đổ tại kênh 5, kênh 7 trên phần đất Long An, Hóc Môn thỉnh thoảng lén lút đổ trên đất Củ Chi chạy về Hóc Môn tiêu thụ.

Ngoài ra, trên tuyến đường bộ thuộc địa phận Củ Chi các đối tượng trước đây sử dụng phương tiện vận chuyển thuốc lá điều nhập lậu bằng xe khác Campuchia – TP.HCM, Mộc Bài – TP.HCM, Gò Dầu – An Sương, Tân Biên – An Sương, Sa Mát – An Sương, hiện nay chuyển sang vận chuyển bằng xe taxi, xe du lịch, xe tải chủ yếu đi vào ban đêm, từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau.

Các điểm chứa, trung chuyển tại khu vực Đồng Chùa – Phước Thạnh thì chuyển sang hoạt động ở Suối Sâu – Trảng Bàng, Tây Ninh, thường vận chuyển bằng xe tải chạy người về Tây Ninh, qua Tân Uyên về Bình Dương, TP.HCM tiêu thụ.

Chi cục quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết, tình hình vận chuyển thuốc lá điều nhập lậu từ Long An qua các đường Phan Văn Hớn, Dương Công Khi, Nguyễn Văn Bứa thuộc xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn vào thành phố tăng. Phương tiện vận chuyển hầu hết là xe gắn máy hai bánh thay đổi kết cấu bình xăng, yên xe và khung xe để cất giấu thuốc lá. Gần đây có nhiều xe chở từ 1.000 bao đến 1.400 bao mỗi chuyến. Khi bị phát hiện, kiểm tra phần lớn đối tượng chạy trốn, bỏ lại xe gắn máy và thuốc lá.

Tại các địa bàn trọng điểm (đường Học Lạc – quận 5, đường Trần Quốc Toản – quận 3, đường Trường Chinh – quận Tân Phú), các điểm bán thuốc lá bên ngoài là bày bán hàng tạp hóa, người buôn thuốc lá thường thuê một căn nhà, thừa lúc thuận lợi đưa hàng vào rồi khóa cửa, sau đó nhanh chóng chẻ nhỏ hàng đi tiêu thụ ngay. Lực lượng chức năng chỉ có thể bẳng quả tang khi họ đang đưa thuốc lên  xe hoặc giao hàng chứ không thể khám nhà ngay tại thời điểm phát hiện (khi xin được lệch khám nhà thì hàng đã tẩu tán hết) hoặc buộc dừng xe lúc vận chuyển.

Ngoài ra, do thu được lợi nhuận cao hơn bán gas chính hãng, một số cửa hàng kinh doanh gas đốt còn bán gas chai loại 12kg giả mạo nhãn hiệu, tem của các công ty gas. Giá bán thấp hơn chai gas cùng loại nhưng không đủ trong lượng ghi trên vỏ chai.

Còn nhiều cửa hàng, công ty kinh doanh mỹ phẩm ngoại nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng việt, ghi thiếu nội dung bắt buộc, ghi xuất xứ, mã vạch, số công bố sản phẩm không có thật.

Cũng giống như TP.HCM, tình hình buôn lậu của TP. Hà Nội trong 6 tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục quản lý thị trường TP Hà Nội đã kiểm tra 3.195 vụ, đã xử lý 3.113 vụ vi phạm. Tổng số thu 57,5 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính là 19,3 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu và hàng hóa buộc tiêu hủy là 38,2 tỷ đồng.

Theo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, hiện nay, hai địa bàn được xem như tụ điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát hàng giả, hàng nhái… là Ninh Hiệp và Hoài Đức.

Tại xã Ninh Hiệp, qua công tác điều tra cơ bản, nắm bắt thị trường, trên địa bàn có 1604 sạp, ki ốt kinh doanh. Trong đó, 1093 ki ốt tại Chợ Lành, 80 Ki ốt tại chợ Sơn Long, 40 ki ốt mới đi vào hoạt động tại Trung tâm thương mại Phú Điền, 391 hộ kinh doanh tại các trục đường của xã. Trong các ki ốt kinh doanh thì 95% là kinh doanh vải, quần áo, còn 5% kinh doanh các ngành hàng khác. Ngoài các hộ kinh doanh, tại Ninh Hiệp còn có các cơ sở gia công quần áo.

Từ đặc điểm thuận tiện về giao thông cũng như địa hình phức tạp, mật độ cơ sở hoạt động kinh doanh cao sẽ dẫn đến tiềm ẩn các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Trong khi đó, tại Huyện Hoài Đức, với đặc thù huyện giáp ranh trung tâm thành phố có nhiều làng nghề, trong đó có một số làng nghề chuyên sản xuất thực phẩm, tập trung chủ yếu tại các xã như : La Phù, An Khánh, Minh Khai, Dương Liễu… Toàn huyện có tổng số hơn 1200 doanh nghiệp và 2000 hộ sản xuất, trong đó có 354 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, mặt hàng sản xuất, kinh doanh chủ yếu sản xuất thực phẩm bánh kẹo, thạch, bim bim, bún, miến, mỳ khô… Hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính thời vụ, thường tập trung vào thời điểm 30/4, Tết Trung Thu,  trước, trong và sau Tết Nguyên Đán.

Với diễn biến trên, theo tổng hợp kết kiểm tra xử lý 6 tháng đầu năm 2015 tại địa bàn Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm và địa bàn huyện Hoài Đức của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, tổng số vụ bị kiểm tra, xỷ lý là 131, tổng số thu 1,4 tỷ đồng, phạt hành chính hơn 790 triệu đồng. Trị giá hàng tịch thu 500,9 triệu đồng và trị giá hàng tiêu thụ 126,3 triệu đồng.

Theo: VnMedia