Các tháp 5G băng tần C có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn máy bay trong quá trình hạ cánh tự động. Theo nghiên cứu của FAA (Cục Hàng không Liên bang), các băng tần 5G mới mà AT&T và Verizon sử dụng có thể gây nhiễu hệ thống hạ cánh tự động của máy bay - được thiết kế để hoạt động trong điều kiện thời tiết có tầm nhìn kém.
FAA đã đưa ra khuyến nghị cho 6.834 máy bay tại Mỹ không nên dựa hoàn toàn vào hệ thống đo độ cao vô tuyến khi hạ cánh xuống sân bay do lo ngại sóng 5G gây nhiễu. Hệ thống này thường được sử dụng chủ yếu trong quá trình hạ cánh khi thời tiết xấu, phi công không thể nhìn rõ mặt đất.
Phát ngôn viên của FAA Lynn Lunsford đã chia sẻ với The Verge về vấn đề này: "Việc hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu có thể bị hạn chế do những lo ngại rằng tín hiệu 5G gây ảnh hưởng đến độ chính xác của máy đo độ cao trên máy bay, trừ khi có các biện pháp giảm thiểu. Chúng tôi đang phối hợp với các nhà khai thác mạng không dây và đối tác liên ngành để tìm biện pháp giảm nhẹ vấn đề".
Được biết, Cục Hàng không liên bang Mỹ cho biết tháp 5G dùng băng tần C là tác nhân chính gây nhiễu máy đo độ cao của máy bay. Dải tần số trong băng tần C từ 3,3 GHz đến 4,2 GHz hiện được một số nhà mạng như AT&T và Verizon sử dụng, với ưu điểm về tốc độ và vùng phủ sóng. Về cơ bản, máy đo độ cao vô tuyến trên máy bay và C-band 5G không hoạt động trên cùng một băng tần, nhưng tần số của cả hai đủ gần để có thể gây nhiễu lẫn nhau.
Một giải pháp tạm thời do Verizon và AT&T đề xuất là sử dụng lại các tháp 5G cũ ở gần sân bay trước khi ra mắt băng tần C.
Được biết, The Verge đưa ra giải pháp lắp đặt bộ lọc băng tần trên máy đo độ cao vô tuyến. Dù vậy, một số tổ chức như Ủy ban Kỹ thuật Vô tuyến Hàng không Mỹ (RTCA) cho rằng việc triển khai đại trà phải mất nhiều năm.
Theo Phone Arena