Trong đơn kiện, Texas và 9 tiểu bang đã cáo buộc Google câu kết với Facebook một cách bất hợp pháp, qua đó vi phạm luật chống độc quyền để thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến nhằm duy trì vị thế thống trị của mình. Các bang đã yêu cầu “gã khổng lồ” công cụ tìm kiếm cũng là hãng công nghệ đang kiểm soát 1/3 ngành quảng cáo trực tuyến toàn cầu bồi thường thiệt hại cho họ và tìm cách "giải tỏa cơ cấu", thường được hiểu là buộc một công ty phải thoái vốn một số tài sản của mình để giảm quy mô nhằm tránh độc quyền.
Vụ kiện ở Texas là vụ kiện lớn thứ hai đến từ các cơ quan quản lý chống lại Google và là vụ kiện thứ tư trong một loạt vụ kiện ở cấp liên bang và tiểu bang nhằm mục đích kiềm chế các hành vi bị cáo buộc là “chơi xấu” của các nền tảng đến từ những “ông lớn” công nghệ.
Google gọi vụ kiện ở Texas là “vô ích” trong khi Facebook đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Các nhà xuất bản trực tuyến bao gồm Genius Media Group và trang web tin tức The Nation đã cáo buộc rằng họ bị mất doanh thu vì sự thống trị của Google trong quảng cáo trực tuyến. Họ yêu cầu Google thoái một phần hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình.
Trong vụ kiện, Texas đã yêu cầu thẩm phán tìm ra cách Google vi phạm luật chống độc quyền và ra lệnh dừng các vi phạm. Bang này cáo buộc Google lợi dụng vị thế của mình đối với thị trườnng quảng cáo kỹ thuật số, cho phép sàn giao dịch của riêng mình giành chiến thắng trong các cuộc đấu giá quảng cáo ngay cả khi những người khác đặt giá thầu cao hơn và tính phí quá cao cho các nhà xuất bản để quảng cáo được xuất hiện trên nền tảng.
Texas cũng cáo buộc Google câu kết với Facebook. Chỉ riêng hai công ty đã chiếm lĩnh hơn một nửa thị trường quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu.
“Như các tài liệu nội bộ của Google tiết lộ, Google đã tìm cách tiêu diệt sự cạnh tranh và đã làm như vậy thông qua một loạt các chiến thuật loại trừ, bao gồm một thỏa thuận bất hợp pháp với Facebook” - đơn kiện cho biết.
Vụ kiện trên cũng liên quan chặt chẽ đến những lo ngại mà News Corp thuộc sở hữu của tỷ phú Rupert Murdoch và các công ty truyền thông khác đã công khai lên các cơ quan quản lý ở Mỹ và Châu Âu trong hai năm qua.
Tập đoàn này cho biết Google đã hạ mức phí của mình xuống gần bằng 0 để giành quyền thống trị giữa các nhà xuất bản, sử dụng các thủ thuật lừa đảo để môi giới các giao dịch giữa nhà xuất bản và nhà quảng cáo, đồng thời trích các khoản phí cao từ cả hai bên để phục vụ cho hoạt động trọng tài phân xử.
Trong một video được đăng trên Twitter, Tổng chưởng lý bang Texas - Ken Paxton nhấn mạnh: “Nếu thị trường tự do là một trận đấu bóng chày, Google đã tự định vị mình là người ném bóng, người đánh bóng và trọng tài chính”.
Một phát ngôn viên của Google cho biết công ty sẽ tự bảo vệ mình trước “những tuyên bố vô căn cứ tại tòa án” của vụ kiện Texas. Người này nói thêm: “Giá quảng cáo kỹ thuật số đã giảm trong thập kỷ qua. Phí công nghệ quảng cáo cũng đang giảm. Phí công nghệ quảng cáo của Google thấp hơn mức trung bình trong ngành. Đây là những dấu ấn của một ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh cao”.
Vào tháng 10/2020, Paxton cùng với 10 tổng chưởng lý tiểu bang khác cũng đã tham gia một vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Google với cáo buộc công ty trị giá 1 nghìn tỷ USD có trụ sở tại California lợi dụng sức mạnh thị trường của mình để chèn ép các đối thủ cạnh tranh.
Doanh thu từ quảng cáo của Google chiếm hơn 80% doanh thu của công ty mẹ Alphabet. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Alphabet đến từ hoạt động có lợi nhuận cao của Google bao gồm việc đặt các banner quảng cáo bằng văn bản phía trên kết quả tìm kiếm.
Theo Reuters