|
Theo quy định của VNA, phi công không được ở trong buồng lái một mình |
Quy định về phi công và số người luôn có mặt trong buồng lái đã có trong tài liệu quy định về hoạt động khai thác bay (Flight Operation Manual - FOM) của VNA, được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn từ năm 2005 và bản mới nhất được Cục này phê chuẩn vào ngày 22/10/2014.
Tài liệu về hoạt động khai thác bay FOM quy định: "Trước khi có người lái nào rời buồng lái vì bất kể lý do gì, phải gọi một tiếp viên vào và tiếp viên đó phải ở trong buồng lái cho tới khi người lái quay trở lại".
Về phía nhà chức trách hàng không sẽ rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung các biện pháp an ninh, trong đó có giải pháp liên quan đến tình huống xảy ra như vụ máy bay của Germanwings. Ở cấp độ cao hơn, Ủy ban An ninh hàng không Quốc gia sẽ triển khai tăng cường an ninh hàng không tới các cơ quan liên quan. Động thái này nhằm tăng cường giám sát an ninh cho các chuyến bay sau khi thế giới chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc của 4U9525 làm 149 người thiệt mạng mà kết luận điều tra ban đầu cho thấy có nguyên nhân từ hành động cực đoan của lái phụ.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết sẽ triển khai ngay nguyên tắc “2 người trong buồng lái”. Có 2 phương án đang được cân nhắc là bổ sung 1 phi công cho mỗi tổ lái (hiện nay một tổ lái có 2 người) thành 3 phi công trong buồng lái hoặc khi một phi công cần ra ngoài thì phải có tiếp viên cùng ở trong buồng lái với phi công còn lại. Theo Cục Hàng không, chọn phương án 1 sẽ khó khăn vì phải tăng thêm nhân lực, chi phí cho mỗi chuyến bay. Do đó sẽ thiên về phương án 2.
Theo yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ sau vụ khủng bố 11-9, các hãng hàng không đều phải gia cố buồng lái với tính năng không thể đột nhập nếu bên trong khóa trái cửa. Tuy nhiên, quy định này đã bị lợi dụng trong tình huống xảy ra với chuyến bay gặp tai nạn ở Pháp khiến nhà chức trách hàng không mỗi quốc gia phải tính toán phương án phòng ngừa cho tình huống này.
Theo Thanh Niên, NLĐ