|
Kite Air chọn các đường bay ngách, giá còn cao như TPHCM-Côn Đảo, Hà Nội-Điện Biên... để đề xuất khai thác. Trong ảnh là một góc sân bay Côn Đảo. Ảnh: TTXVN |
Kite Air dự định sẽ cất cánh từ 2020 với đội bay 30 tàu từ nay đến 2025. Ngay trong năm đầu tiên được cấp phép, hãng sẽ bay với 6 tàu ATR 72 rồi tăng dần đến 2024, chủ yếu chọn các đường bay nhánh từ miền Trung đi Nam Trung Bộ, Nam Bộ mà không chọn các đường bay trọng điểm mà các hãng khác đang khai thác mạnh như Hà Nội- TPHCM, Hà Nội-Đà Nẵng... Cụ thể các đường bay hãng dự kiến khai thác gồm Tân Sơn Nhất- Côn Đảo, Nội Bài- Điện Biên/Vinh/Chu Lai. Trong đó, Chu Lai (Quảng Nam) được hãng này lựa chọn làm sân bay căn cứ. Mỗi tuần sẽ có hàng chục chuyến bay từ các điểm nói trên đến các sân bay địa phương và sau đó là quốc tế.
Trong dự án của mình, Kite Air dự kiến sẽ báo lỗ hơn 350 tỉ đồng sau 3 năm đầu tiên đưa vào khai thác. Thực tế đây là lỗ kế hoạch bình thường, nằm trong tính toán của các hãng hàng không trong thời gian đầu tư.
Tuy nhiên, trong văn bản thẩm định của Cục hàng không, cơ quan này khuyến cáo hãng chỉ nên khai thác quy mô 20-25 tàu đến năm 2025 và đặc biệt lưu ý tính hiệu quả của đội tàu bay ATR 72. Hiện ở Việt Nam chỉ có công ty con VASCO của Vietnam Airlines khai thác, và đơn vị này cũng đang tiến tới thay dần bằng các dòng máy bay thân hẹp thế hệ mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Về sự phù hợp của hãng khi đi vào khai thác với năng lực kết cấu hạ tầng hiện có, Cục hàng không đề nghị phải làm rõ những điểm còn chưa thống nhất. Cụ thể như việc chọn sân bay Chu Lai làm sân bay căn cứ, đậu tàu bay tại sân bay Đà Nẵng qua đêm trong 2 năm đầu tiên và chọn Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi làm nơi đậu tàu qua đêm những năm tiếp theo. Song, nội dung về mạng đường bay dự kiến khai thác, lại ghi nơi đỗ qua đêm tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng là không đồng nhất.
Trước đó, khi thẩm định đề án nâng cấp đội bay của Bamboo Airways lên 30 chiếc vào năm 2023 của hãng này, Cục hàng không đã từng khuyến cáo, việc bố trí 44 chỗ đậu tàu bay tại 15 cảng hàng không của hãng này, trong đó chọn 16 sân bay đỗ tàu qua đêm là một thách thức với hoạt động khai thác.
Riêng về vấn đề lỗ lũy kế dự kiến của Kite Air trong 3 năm đầu, sẽ dẫn đến nguy cơ “ăn” vào vốn chủ sở hữu. Nếu tỷ lệ giảm đi 1/3 so với vốn đăng ký bắt buộc sẽ khiến doanh nghiệp không đáp ứng được quy định về vốn tối thiểu như Luật hàng không đề ra nên cần chỉnh sửa cho đủ điều kiện.
Theo TBKTSG