Theo CEO Realme - Sky Li, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc này đặt mục tiêu xuất xưởng 100 triệu điện thoại thông minh AI trong ba năm tới.
Theo đó, Realme đang tăng tốc để "phổ biến AI" cho người tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Realme đang thâm nhập vào thị trường AI thông qua các chiến lược tập trung vào hình ảnh, hiệu suất và cá nhân hóa, xoay quanh nhu cầu cốt lõi của người dùng trẻ tuổi, ông Li cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trang tin South China Morning Post.
“Năm 2024 đánh dấu điểm khởi đầu cho điện thoại thông minh AI và trí tuệ nhân tạo là cơ hội để ngành công nghiệp điện thoại thông minh định hình lại tương lai và thúc đẩy đổi mới mang tính đột phá.
Đối với Realme, AI là cơ hội không thể bỏ lỡ và cũng là một chiến trường mới đầy thách thức”, ông Li cho biết.
Realme có trụ sở tại Thâm Quyến – một công ty con của Oppo , được thành lập bởi gã khổng lồ phần cứng BBK Electronics – đã có bước đột phá trong thị trường AI với mẫu điện thoại GT 6, đồng thời hãng cũng thành lập Phòng thí nghiệm Realme Next AI.
Giống như hầu hết mọi nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, Realme đang biến các tính năng liên quan đến AI thành giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Theo đó, Realme đã phát triển tính năng cải thiện ảnh có độ phân giải thấp trên Realme 13 Pro, bù đắp cho việc không trang bị phần cứng hàng đầu.
Ông Li cho biết Realme muốn AI dễ tiếp cận hơn với những người trẻ tuổi bằng cách tích hợp công nghệ mới nhất vào các thiết bị giá cả phải chăng.
"Khi AI tiếp tục phát triển trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh, thị trường này cũng sẽ cần những người tiên phong để phổ biến những tiến bộ này", ông Li cho biết. Các tính năng AI trước tiên sẽ được triển khai trên các mẫu GT hàng đầu của hãng và sau đó chuyển sang các thiết bị giá cả phải chăng hơn, ông nói thêm.
Cách tiếp cận của Realme khác với các đối thủ cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Những công ty có nguồn tài chính dồi dào như Apple, Honor và Xiaomi đã chạy đua để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng họ - công nghệ hỗ trợ các sản phẩm như ChatGPT của OpenAI - hoặc tích hợp các mô hình từ các nhà phát triển bên thứ ba vào thiết bị của họ.
Apple, dự kiến ra mắt dòng iPhone 16 vào ngày 9 tháng 9 sắp tới, đã hợp tác với OpenAI để tích hợp AI tạo sinh vào Siri và hàng loạt tính năng khác trên LLM của hãng.
Oppo cho biết vào tháng 6 rằng các tính năng AI tạo sinh của hãng sẽ có thể tiếp cận được với khoảng 50 triệu người dùng điện thoại thông minh vào cuối năm nay, bắt đầu với các thiết bị cao cấp nhất của hãng và sau đó mở rộng sang các điện thoại thông minh giá cả phải chăng hơn. Các đối thủ bao gồm Vivo, Huawei Technologies và Honor cũng đã công bố kế hoạch đưa AI vào các thiết bị và hệ điều hành di động của họ.
Theo báo cáo tháng 4 của công ty tư vấn Canalys, Trung Quốc dự kiến sẽ dẫn đầu thế giới về việc áp dụng điện thoại di động hỗ trợ AI, các mẫu máy này sẽ chiếm khoảng 12% tổng số lô hàng điện thoại thông minh tại Trung Quốc trong năm nay, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 9%.
Theo ông Li, Realme đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số tại thị trường trong nước vào năm 2026 với sự hỗ trợ của AI.
Realme, ban đầu được Oppo ấp ủ vào năm 2018 và chính thức tách ra vào năm 2019, đã trở thành một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất với chiến lược tập trung vào người tiêu dùng trẻ tuổi ở thị trường nước ngoài.
Công ty cho biết vào tháng 11 rằng họ đã xuất xưởng hơn 200 triệu điện thoại kể từ khi thành lập, chủ yếu ở thị trường nước ngoài.
Được biết, châu Âu hiện là thị trường quan trọng của Realme, nơi thương hiệu này xếp thứ tư về số lượng lô hàng xuất xưởng trong quý 1, chiếm 4% thị phần tại đây, theo dữ liệu của Counterpoint.
“Chúng tôi đặt mục tiêu lọt vào top 3 châu Âu trong vòng 3 năm tới”, ông Li cho biết.
Theo SCMP