Apple đang đối diện nhiều khó khăn khi phát triển điện thoại AI tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Apple có thể sẽ phải áp dụng các mô hình ngôn ngữ lớn đã được chính phủ Trung Quốc chấp thuận như Tongyi Qianwen của Alibaba Group Holding hay Ernie của Baidu thay vì ChatGPT.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Theo một báo cáo mới, người tiêu dùng Trung Quốc thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với điện thoại thông minh có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng các nhà sản xuất điện thoại nước ngoài như Apple sẽ phải đối mặt với những thách thức nội địa hóa trên thị trường do các yêu cầu pháp lý.

Theo một báo cáo do công ty nghiên cứu thị trường Canalys công bố hôm thứ 21/6, 43% người tiêu dùng ở Trung Quốc – thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới – bày tỏ sự quan tâm từ cao đến rất cao đối với điện thoại thông minh AI, một tỷ lệ lớn hơn cả ở Ấn Độ và Mỹ.

Báo cáo cho thấy 71% người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả thêm tiền cho các tính năng AI, điều này mang lại cho các thương hiệu nền tảng tốt để thiết lập mô hình kinh doanh và đạt được lợi nhuận, Canalys viết.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đặt ra những thách thức đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh AI toàn cầu, một phần là do các quy định của địa phương đối với các mô hình ngôn ngữ lớn và chủ quyền dữ liệu.

Báo cáo của Canalys cho biết: “Tất cả điện thoại thông minh có khả năng AI tại thị trường Trung Quốc đại lục có thể sẽ được yêu cầu sử dụng một trong những LLM thương mại đã được chính phủ phê duyệt”.

Chẳng hạn, Apple có khả năng sẽ không thể cung cấp trợ lý ảo Siri của mình tại Trung Quốc bằng cách sử dụng ChatGPT, chatbot phổ biến do công ty khởi nghiệp OpenAI của Mỹ ra mắt vào năm 2022. Được biết, Apple đã thông báo vào đầu tháng này rằng họ đang hợp tác với OpenAI, công ty sẽ cung cấp chatbot miễn phí trên một số nền tảng của Apple vào cuối năm nay.

Thay vào đó, Apple có thể sẽ áp dụng các mô hình ngôn ngữ lớn trong nước - công nghệ đằng sau các dịch vụ AI tổng hợp như ChatGPT - đã được chính phủ Trung Quốc chấp thuận, chẳng hạn như Tongyi Qianwen của Alibaba Group Holding hay Ernie của Baidu, Canalys cho biết.

Canalys cho biết Apple có thể sẽ phải thiết lập các máy chủ địa phương ở Trung Quốc để lưu trữ dữ liệu người dùng tại quốc gia này như một phần của hệ thống điện toán đám mây riêng.

Kế hoạch bổ sung khả năng AI vào iPhone của Apple đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều ở Trung Quốc , nơi người tiêu dùng không chắc chắn về việc khi nào các tính năng như vậy sẽ có sẵn tại địa phương và do các mẫu smartphone giá phải chăng hơn từ các thương hiệu Trung Quốc cũng đang tích cực tích hợp AI.

Canalys cho biết các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc bao gồm Honor, Oppo, Vivo và Xiaomi đều đã bắt đầu giới thiệu các tính năng AI từ năm ngoái.

Mặt khác, Huawei Technologies lại không đầu tư quá nhiều vào các ứng dụng AI tạo sinh của công ty, mặc dù họ là một trong những nhà cung cấp điện thoại thông minh sớm nhất sử dụng chip AI cho các tác vụ như tối ưu hóa hình ảnh.

Tuy vậy, tương tự như Apple và Google, Huawei là một nhà phát triển toàn diện với các giải pháp trải rộng trên phần mềm, cơ sở hạ tầng đám mây và thiết bị người dùng cuối.

Theo SCMP