Hàn Quốc nổ phát súng chí mạng vào Google và Apple

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Động thái của Hàn Quốc đã trở thành "tấm gương" trong cuộc chiến chống độc quyền với những gã khổng lồ công nghệ và có thể tạo thành hiệu ứng domino trên toàn cầu.
Ảnh: AppleInsider
Ảnh: AppleInsider

Ngày 31/8/2021, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua sửa đổi Đạo luật Kinh doanh Viễn thông (Dự luật số 2112203). Sau khi sửa đổi có hiệu lực, các cửa hàng ứng dụng như Apple, Google và Samsung ở Hàn Quốc sẽ không còn được phép buộc các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của riêng họ. Do đó, các nhà phát triển có thể sử dụng các phương pháp thanh toán khác để thu tiền của người dùng mà không phải chia sẻ phí hoa hồng cho Apple và Google.

Hàn Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới ngăn độc quyền hệ thống thanh toán trong cửa hàng ứng dụng.

188 dân biểu Hàn Quốc đã tham gia bỏ phiếu. Kết quả cuối cùng là 180 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 8 phiếu trắng, do đó đảng cầm quyền đã thông qua Đạo luật Kinh doanh Viễn thông hay còn được biết đến với cái tên "Luật chống Google".

Theo các báo cáo, dự luật mới đã được trình lên Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Luật sửa đổi cũng bao gồm các điều khoản nghiêm cấm Apple, Google trì hoãn việc phê duyệt ứng dụng hay thẳng tay xóa ứng dụng của các nhà phát triển một cách không công bằng.

Hàn Quốc vừa thông qua dự luật nhắm đến Apple và Google.
Hàn Quốc vừa thông qua dự luật nhắm đến Apple và Google.

Cửa hàng ứng dụng của Apple và Google đang bị chỉ trích ngày càng nhiều từ các công ty và cơ quan quản lý trên toàn thế giới, nguyên nhân là vì hai hãng này đã độc quyền phân phối các ứng dụng điện thoại thông minh. Cả hai còn bị phản đối vì tính phí hoa hồng cao (15%-30%) cho mỗi giao dịch trong ứng dụng và tham gia vào những hành vi chống cạnh tranh khác, ví dụ ưu tiên ứng dụng của họ trong bảng xếp hạng tìm kiếm.

Đạo luật này là đòn giáng mạnh vào các ông lớn công nghệ như Google và Apple, nếu các công ty công nghệ không tuân thủ luật mới, họ có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 3% doanh thu tại Hàn Quốc.

Hiệp hội các công ty Internet Hàn Quốc và một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các công ty CNTT của Hàn Quốc đã hoan nghênh quyết định của Quốc hội. "Chúng tôi hy vọng rằng việc thông qua dự luật sẽ đảm bảo quyền của người sáng tạo và nhà phát triển, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng công bằng, để người dùng có thể thưởng thức nhiều hơn nữa nội dung đa dạng với giá thấp".

Về dự luật mới của Hàn Quốc, một số cư dân mạng cho rằng tất cả chỉ là vấn đề thời gian. "Bạn có thể lạm dụng độc quyền trên nền tảng của chính mình nếu nó nhỏ và không ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhiều người. Không ai quan tâm, ngay cả khi hành vi đó bất hợp pháp. Nhưng một khi nó đủ lớn để bị coi là độc quyền và bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường ứng dụng và hệ sinh thái, bạn sẽ phải đối mặt với cơ chế luật lệ mới".

Phản ứng của Google - Apple: tất cả là vì chất lượng ứng dụng và an toàn của người dùng

Kể từ tháng 8 năm ngoái, tựa game đình đám Fortnite của Epic Games đã bị Google và Apple xóa khỏi cửa hàng ứng dụng do ra mắt phương thức thanh toán trực tiếp trong trò chơi Fortnite, nhằm tránh việc phải trả phí thông qua App Store và Play Store. Phí hoa hồng là một nguồn thu nhập quan trọng của những gã khổng lồ công nghệ.

Một hồ sơ được công bố hôm 28/8 cho thấy Google đã tạo ra doanh thu 11,2 tỉ USD từ cửa hàng ứng dụng di động Play Store vào năm 2019, qua đó lần đầu tiên cung cấp một cái nhìn rõ ràng về kết quả tài chính của dịch vụ này.

Tài liệu trên được đưa ra trong hồ sơ kiện Google về cáo buộc vi phạm chống độc quyền trên Play Store của Tổng chưởng lý của bang Utah và 36 bang và quận khác của Mỹ.

Họ cũng tuyên bố trong tài liệu rằng Google Play Store trong năm 2019 thu về 8,5 tỉ USD lợi nhuận gộp với biên lợi nhuận hoạt động trên 62%. Những dữ liệu tài chính này bao gồm các ứng dụng của Google, mua hàng trong ứng dụng và doanh số quảng cáo trên cửa hàng ứng dụng.

Google phản bác rằng dữ liệu trên đã được sử dụng để "bóp méo hoạt động kinh doanh của công ty trong một vụ kiện vô căn cứ".

Ngoài ra, theo tài liệu mà Epic Games công bố trong tháng 8 nhằm chống lại độc quyền của Google, "đại gia" công nghệ lo sợ sẽ mất 1,1 tỉ USD lợi nhuận hàng năm từ Play Store nếu các đối thủ cạnh tranh khác thành công vượt mặt cửa hàng ứng dụng này.

Theo các cơ quan khảo sát thị trường, người tiêu dùng toàn cầu đã chi 32 tỉ USD cho hai cửa hàng ứng dụng lớn của Apple và Google chỉ trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lập mức cao kỷ lục.

Cụ thể, chi tiêu của người tiêu dùng trên Apple App Store đạt 21 tỉ USD và chi tiêu trên Google Play Store đạt 11 tỉ USD, cả hai đều tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý đầu tiên của năm 2020, chi tiêu của người tiêu dùng cho phần mềm di động đã tăng khoảng 9 tỉ USD trong quý đầu tiên của năm nay.

Về các khoản thanh toán, game, video và phần mềm giải trí trên Apple App Store có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trong khi chi tiêu cho game, mạng xã hội và phần mềm giải trí trên Google App Store có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1 năm nay, tổng lượt tải phần mềm ứng dụng cũng tăng đáng kể, số lượt tải trên hai kho ứng dụng lớn của Apple và Google đạt 31 tỉ lượt, tăng khoảng 10%.

Đối với Google và Apple, việc thông qua sửa đổi Đạo luật Kinh doanh Viễn thông của Hàn Quốc chắc chắn là một tin "sét đánh ngang tai".

Google đã lên tiếng bảo vệ phí dịch vụ của mình, "Cách tiếp cận của chúng tôi giúp cho Android miễn phí và cung cấp cho các nhà phát triển các công cụ và nền tảng toàn cầu để tiếp cận hàng tỉ người tiêu dùng trên khắp thế giới".

Người phát ngôn của Google cho biết, giống như việc các nhà phát triển cần chi tiền để xây dựng ứng dụng, Google cũng chi rất nhiều tiền để xây dựng và duy trì hệ điều hành cũng như kho ứng dụng. Trong khi duy trì mô hình hỗ trợ các hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng chất lượng cao, Google sẽ cân nhắc kỹ lưỡng cách thức tuân thủ các sửa đổi của Đạo luật Kinh doanh Viễn thông của Hàn Quốc.

Apple chưa đưa ra bình luận về các sửa đổi của Hàn Quốc đối với Đạo luật Kinh doanh Viễn thông. Nhưng trước khi sửa đổi được thông qua, Apple đã tuyên bố rằng một hệ thống thanh toán an toàn và bảo mật là cách để khuyến khích người dùng mua các sản phẩm kỹ thuật số trong ứng dụng.

"Dự luật này sẽ khiến người dùng mua hàng hóa kỹ thuật số từ các nguồn khác vướng vào nguy cơ bị lừa đảo, phá hoại những biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của họ, và gây khó khăn trong quá trình quản lý việc mua hàng của họ".

Apple cho rằng "sự tin tưởng của người dùng đối với việc mua hàng trên App Store sẽ giảm đáng kể do đề xuất này, khiến cơ hội của 482.000 nhà phát triển đã đăng ký ở Hàn Quốc, những người đã kiếm được 8.55 nghìn tỉ won cho đến nay với Apple, mất đi cơ hội kinh doanh".

Trên thực tế, Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất muốn kìm hãm các gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Trước đó, Nga đã thông qua một nghị định yêu cầu các sản phẩm điện tử bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính và TV thông minh phải được cài đặt sẵn các ứng dụng do các nhà phát triển của Nga phát triển trước khi có được giấy phép bán hàng, đương nhiên bao gồm các sản phẩm của Apple.

Úc đang xem xét điều chỉnh các dịch vụ như Apple Pay, Google Pay. Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất Đạo luật thị trường kỹ thuật số nhằm ngăn chặn các nền tảng công nghệ lớn lạm dụng quyền lực.

Do đó, tin xấu hơn cho Google và Apple là dự luật này của Hàn Quốc có thể có thể tạo thành hiệu ứng domino trên toàn cầu và được các cơ quan quản lý ở các quốc gia khác thông qua. Thượng viện Mỹ cũng đang trong quá trình cân nhắc một dự luật tương tự những gì Hàn Quốc ban hành.

Theo Sina