Apple cho cả thế giới bên biết App Store bảo mật và minh bạch như thế nào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thông báo này là phản đòn mới nhất của Apple nhằm đáp lại cáo buộc độc quyền, bao gồm cả vụ kiện từ Epic Games và sự chú ý của các nhà lập pháp. 
Ảnh: Sina Technology
Ảnh: Sina Technology

Theo CNBC, Apple hôm nay đã công bố một báo cáo về dữ liệu liên quan đến App Store của mình, chủ yếu mô tả công việc mà App Store đã thực hiện theo hướng bảo mật và phòng chống gian lận trong năm qua, đồng thời công bố rất nhiều dữ liệu liên quan.

Đây là lần đầu tiên Apple công bố dữ liệu như vậy, trong báo cáo này, Apple không chỉ ra những gì họ mang lại cho nhà phát triển và người dùng, mà là những gì họ từ chối để đảm bảo sự an toàn và trải nghiệm của App Store.

Từ chối 1 triệu ứng dụng

Kể từ khi thành lập vào năm 2008, Apple App Store đã trở thành kênh phân phối và nền tảng tải xuống ứng dụng lớn nhất thế giới. Theo số liệu chính thức, tính đến nay, có tổng cộng 1,8 triệu ứng dụng được phân phối trên cửa hàng ứng dụng ở 175 quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Ngoài số lượng, chất lượng và độ an toàn của App Store cũng là lý do quan trọng để nhiều người lựa chọn, và thậm chí là lý do khiến người dùng chuyển từ điện thoại Android sang iPhone.

Nhưng người dùng bình thường hiếm khi nghĩ đến đằng sau hàng triệu ứng dụng là nỗ lực của Apple để đảm bảo an toàn cho các ứng dụng trên nền tảng.

Trên thực tế, các mối đe dọa bảo mật đã tồn tại từ khi App Store ra đời năm 2008, và ngày càng tinh vi hơn theo tốc độ phát triển của App Store. Tất nhiên, Apple cũng đang nỗ lực để nâng cao và cải thiện các tiêu chuẩn bảo mật của riêng mình.

Để các ứng dụng chất lượng cao được liệt kê trên App Store và các nhà phát triển và người dùng có được trải nghiệm tốt nhất, đằng sau đó là nỗ lực của nhóm đánh giá Apple App Store, bao gồm cả máy móc (chương trình AI phát hiện), nhưng Apple tin rằng con người là tuyến phòng thủ cuối cùng.

Một mặt, nhóm đánh giá phát triển các hướng dẫn liên quan và liên tục cập nhật để đo lường xem ứng dụng có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật của Apple khi ra mắt hay không.

Mặt khác, nhiều nhà phát triển đã gặp phải trường hợp phải gửi ứng dụng nhiều lần trước khi lên kệ, đằng sau việc này là sự kiểm tra chặt chẽ của đội ngũ đánh giá của Apple. Nguyên nhân có thể là do ứng dụng của họ chưa hoàn thiện / chưa đủ tốt hoặc chưa làm Apple hài lòng về yêu cầu mật.

Năm 2020, nhóm đánh giá ứng dụng của Apple đã hỗ trợ 180.000 nhà phát triển mới lần đầu tiên đưa công việc của họ lên App Store; tuy nhiên, do các tiêu chuẩn đánh giá trên cửa hàng ứng dụng nghiêm ngặt, rất nhiều ứng dụng đã bị từ chối. Theo tiết lộ của Apple, họ đã từ chối 1 triệu ứng dụng mới và 1 triệu yêu cầu cập nhật ứng dụng năm ngoái.

Hãy xem xét kỹ hơn các ứng dụng bị từ chối đưa vào danh sách, một phần là do vi phạm; cũng có 215.000 ứng dụng bị từ chối vì yêu cầu quá nhiều dữ liệu người dùng trên điện thoại di động; 48.000 ứng dụng bị từ chối vì chứa các chức năng ẩn, 150.000 ứng dụng bị đánh giá là spam hoặc sao chép ứng dụng khác.

Tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các ứng dụng trong App Store ở các mức độ khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Những con số này thể hiện tham vọng Apple theo đuổi kho ứng dụng và hệ sinh thái chất lượng cao của riêng mình, đồng thời cũng là lý do khiến nhiều người dùng Android "hâm mộ" vào hệ sinh thái iOS như đã nói ở trên.

"Đá" 470.000 nhà phát triển độc hại

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook phát biểu tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC) tại Trung tâm Hội nghị San Jose năm 2018.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook phát biểu tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC) tại Trung tâm Hội nghị San Jose năm 2018.

Ngoài việc từ chối ứng dụng, Apple đôi khi còn trừng phạt các nhà phát triển vi phạm quy định. Ví dụ: một số nhà phát triển cố tình thay đổi tính năng ứng dụng sau khi vượt qua cuộc đánh giá hoặc thậm chí tham gia vào các hành vi phạm pháp / tội phạm. Phổ biến nhất là các ứng dụng liên quan đến cờ bạc, cho vay bất hợp pháp và nội dung khiêu dâm; thậm chí có những ứng dụng để buôn bán ma túy, trò chuyện tình dục,...

Theo dữ liệu của Apple, năm 2020, khoảng 95.000 ứng dụng bị xóa khỏi App Store do liên quan đến gian lận, lừa đảo. Nếu vi phạm của nhà phát triển nghiêm trọng hoặc tái diễn, tài khoản của họ sẽ bị đóng vĩnh viễn. Năm 2020, Apple đã chấm dứt 470.000 tài khoản nhà phát triển vì rủi ro gian lận.

Chỉ trong tháng qua, Apple đã chặn hơn 3,2 triệu lượt cài đặt ứng dụng thông qua Chương trình Doanh nghiệp dành cho Nhà phát triển của Apple.

Mục đích ban đầu của dự án này là cho phép các tổ chức lớn như công ty và doanh nghiệp phát triển các ứng dụng chỉ sử dụng nội bộ, không mở cửa cho công chúng. Nhưng một số người sử dụng phương pháp này để "vượt mặt" quy trình xét duyệt ứng dụng và lạm dụng ứng dụng nội bộ.

Tất nhiên, dù kiểm soát có chặt chẽ đến mấy thì cũng không tránh khỏi mắc lỗi khi có đến 1,8 triệu ứng dụng trên App Store. Apple cũng đã mở ra cơ chế phản hồi, người dùng hoặc nhà phát triển có thể chọn chức năng "báo cáo sự cố" trong App Store hoặc gọi cho bộ phận hỗ trợ của Apple.

Dừng 1,5 tỉ USD trong các giao dịch bị nghi ngờ gian lận

Vấn đề bảo mật của Android thường được so sánh với Apple.
Vấn đề bảo mật của Android thường được so sánh với Apple.

Do Apple ID ràng buộc với tài khoản thanh toán và là "chìa khóa" hệ sinh thái của Apple nên nó cũng rất dễ trở thành mục tiêu của bọn tội phạm. Do đó, Apple đang xây dựng các công nghệ thanh toán an toàn hơn, chẳng hạn như Apple Pay và StoreKit.

Hiện tại, hơn 900.000 ứng dụng trong App Store đang sử dụng các công nghệ này để bán hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ: thông tin thẻ tín dụng trong Apple Pay sẽ không được chia sẻ với người bán (và người bán sẽ không nhìn thấy thông tin này), điều này giúp loại bỏ các yếu tố rủi ro trong quá trình giao dịch thanh toán.

Tuy nhiên, tội phạm cũng có thể sử dụng App Store để mua hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích rửa tiền hoặc các mục đích không chính đáng khác.

Theo dữ liệu chính thức, vào năm 2020, Apple đã ngăn chặn hơn 3 triệu thẻ tín dụng bị đánh cắp được sử dụng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ thông qua các phương tiện kỹ thuật + xem xét thủ công. Ngoài ra họ chặn hơn 1,5 tỉ USD trong "các giao dịch gian lận tiềm ẩn".

Tiết lộ được đưa ra trong bối cảnh vụ kiện chống độc quyền của Epic Games chống lại Apple và tập trung vào những thất bại của App Store. Nhà sản xuất Fortnite đang tìm cách buộc Apple xóa bỏ 30% hoa hồng đối với các giao dịch mua hàng trong ứng dụng.

Các luật sư của Epic đã lập luận rằng App Store của Apple quá "kín cổng cao tường", cản trở các nhà sản xuất ứng dụng cạnh tranh và các quy tắc của Apple được áp dụng không đồng đều cho các nhà phát triển khác nhau. Đơn kiện do Epic Games đệ trình yêu cầu thay đổi quy trình xem xét ứng dụng hiện có và việc sử dụng các hệ thống thanh toán khác trong ứng dụng.

Epic cũng cho biết quy trình của Apple không công bằng, đôi khi phê duyệt phần mềm độc hại vào cửa hàng. Các nhân viên của Apple đã tranh luận tại phiên tòa rằng số lỗi mà hãng mắc phải là rất nhỏ so với quy mô của App Store. Apple cũng mạnh mẽ phủ nhận việc lạm dụng quyền lực thị trường, nói rằng vụ kiện mà Epic đệ trình là một "cuộc tấn công" vào một mô hình kinh doanh có lợi cho các nhà phát triển cũng như người tiêu dùng.

Apple đã bảo vệ App Store như một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuần trước, một luật sư của Apple đã lập luận rằng việc cho phép người dùng cài đặt phần mềm từ bên ngoài App Store, giống như Android, sẽ tạo ra rủi ro bảo mật và Apple không muốn trở thành Android.

Theo Sina Technology