Hạn, mặn tác động xấu đến kinh tế xã hội

Hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trở thành đề tài quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế-xã hội sáng nay, 24-3.
Hạn hán trở thành đề tài quan tâm ở QH. Ảnh TG
Hạn hán trở thành đề tài quan tâm ở QH. Ảnh TG

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: “Chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề như hạn hán, xâm nhập mặn. Bao nhiêu hecta đất nông nghiệp bị hạn hán, và bị ngập mặn như thế, nông nghiệp không thể tăng được. Chắc chắn GDP quý này sẽ sụt giảm”.

Ông nói: “Chúng ta phải có giải pháp trước mắt cho vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán, nhưng phải có giải pháp căn cơ lâu dài. Đây là vấn đề rất lớn vì biến đổi khí hậu. Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ có đề án lớn để kêu gọi quốc tế hỗ trợ”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM, nhận xét: tình hình hạn hán, xâm ngập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang rất "nguy cấp", nhưng không được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội.

“Quốc hội cần nghe Chính phủ báo cáo để biết được tình hình ảnh hưởng thiên tai hiện nay. Từ đó, sẽ xem xét đưa ra quyết sách. Quốc hội không thể không nói về vấn đề này”, bà nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần khôi phục độ che phủ rừng như cách đây 20 năm và xây một số đập nước lớn để tích trữ nước cho mùa hạn.

Ông khẳng định: “Chúng ta sẽ độc lập về nguồn nước, và việc này hoàn toàn khả thi”.

Các nước ở phía thượng nguồn xây đập, chặn và làm cạn kiệt nguồn nước phía dưới. Rồi nước biển dâng do biến đổi khí hậu khiến ĐBSCL bị ngập mặn trên diện tích lớn. Đời sống người dân trong tình thế “lâm nguy” do thiếu nước sinh hoạt... thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cảnh báo, năm nay Đồng bằng Sông Cửu Long có thể mất 1 triệu tấn lúa gạo vì hạn hán. “Nếu không có giải pháp kịp thời thì tới lúc nào đó chúng ta sẽ trắng tay”, ông nói.

Nhắn nhủ lại nhiệm kỳ sau

Nhân dịp thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cũng bày tỏ những mong muốn mà họ không làm được ở nhiệm kỳ này cho nhiệm kỳ sau.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Nếu không có bộ máy thật hiệu quả thì chúng ta khó làm, khó phát triển. Ai cũng thấy điều này”.

Ông Vinh nói, nhiều bạn bè quốc tế thường hỏi ông một câu hỏi chung, tại sao Việt Nam các bạn đã biết các bạn phải làm thế mới phát triển được, mà các bạn làm chậm thế, hay chẳng làm bao nhiêu.

Ông nói với giọng trầm ngâm: “Các nước khác nhận ra vấn đề là giải quyết ngay, còn mình thì do thiết chế phải xin ý kiến nhiều quá, hay phân cấp không rõ, nên chuyển biến chậm, dù chúng ta đã biết phải làm thế nào”.

Ông Vinh gửi gắm, Chính phủ nhiệm kỳ tới vẫn phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, dù Nghị quyết của trung ương yêu cầu tăng trưởng của nhiệm kỳ tới cao hơn nhiệm kỳ này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Minh cho biết, suốt năm năm qua các đại biểu Quốc hội không hề được cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục về hoạt động kinh tế- xã hội của đất nước. Chỉ đến khi họp Quốc hội, Chính phủ mới có báo cáo với muôn vàn thông số để bây giờ đại biểu ngồi đọc.

“Điều này phải thay đổi, không thể cứ đến kỳ họp thì đại biểu Quốc hội mới nắm được những thông tin này. Tôi đề nghị mỗi tháng Chính phủ họp xong phải gửi báo cáo cho các đại biểu Quốc hội”, ông Minh nói.

“Tôi rất trăn trở về nhiều cái chưa làm được, nói hoài mà không ai trả lời”, ông nói.

Theo TBKTSG