Tại bãi tắm Xuân Hải, hàm lượng sắt (Fe) sáng 8/5 là 0,7 mg/l, vượt quy chuẩn Việt Nam 0,2 mg/l; còn bãi tắm Thạch Hải vượt 0,3 mg/l. Các chỉ số khác như pH, Mn, DO các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đều nằm trong giới hạn cho phép.
Số liệu quan trắc chỉ tiêu môi trường tại một số bãi tắm ở Hà Tĩnh.
Chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho biết, sắt không phải chất độc nên không ảnh hưởng đến việc tắm hay bất kỳ hoạt động trên biển nào của con người. Tuy nhiên, trước khi sắt bị hòa tan trong nước thì ở một nơi nào đã thải ra kim loại này với nồng độ lớn, lúc đó nó sẽ làm giảm ôxy đột ngột trong môi trường biển và độ pH cũng giảm xuống, khiến đời sống động thực vật thủy sinh bị ảnh hưởng.
"Hàm lượng sắt ở mức 0,8 mg/l cũng có thể ảnh hưởng chút ít nhưng chưa đến mức làm chết các loài sinh vật dưới biển", ông Côn nói.
Nhằm đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường cùng các địa phương đo đạc, lấy mẫu và phân tích nhằm đánh giá diễn biến chất lượng nước biển ven bờ (phục vụ tắm biển và các hoạt động thể thao dưới nước) tại bãi biển 4 tỉnh.
Từ ngày 28/4, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường các tỉnh trên đã lấy mẫu nước ven bờ để xem xét các chỉ số như: pH, DO, N-NH4, CN, Cr, Cr tổng, TSS, Pb, Fe, Cu, Zn... Mỗi tỉnh lấy mẫu nước tại ít nhất 3 vị trí, nhiều nhất là 6, tập trung ở các bãi tắm, trong đó có Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình); Triệu Lăng, Cửa Việt (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An (Thừa Thiên - Huế).
Từ đầu tháng 4, cá biển ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết, khối lượng khoảng 70 tấn. Ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra hai nhóm nguyên nhân chính có thể khiến cá chết hàng loạt là thủy triều đỏ và hóa chất do con người xả thải. Hiện nguyên nhân chính xác đang được nhà chức trách điều tra.
Theo VnE