Hải quân Trung Quốc sẽ có 4 tàu sân bay nguyên tử, quyết đẩy Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương

VietTimes -- South China Morning Post, dẫn nguồn tin từ các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ xây dựng ít nhất sáu cụm tàu sân bay tấn công vào năm 2035 trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân. Có 4 tàu sân bay trang bị trạm nguồn năng lượng hạt nhân và máy phóng điện từ như tàu Mỹ.
Tàu sân bay Trung Quốc Type001A trong quá trình hoàn thiện. Ảnh SCMP
Tàu sân bay Trung Quốc Type001A trong quá trình hoàn thiện. Ảnh SCMP

Hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc dự kiến sẽ có 6 chiếc, hiện Hải quân Trung Quốc có 1 tàu sân bay Liêu Ninh và một tàu khác là Type 001A đang tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển. Trong khi đó Mỹ có 11 cụm tàu sân bay chiến đấu tấn công. Không rõ việc phát triển tàu sân bay năng lượng nguyên tử sẽ được thực hiện theo học thuyết quân sự hải quân nào?

Một chiến lược đối ngoại quân sự can thiệp như của Mỹ hay đơn thuần chỉ là cạnh tranh sức mạnh trên đại dương. Nhưng rõ ràng, với số lượng các tàu sân bay kể trên, hải quân Trung Quốc đang cố gắng đẩy Hải quân Mỹ ra khỏi vùng nước lợi ích Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là trên biển Đông và biển Hoa Đông.

SCMP cho biết, các chuyên gia quân sự hiểu rõ chiến lược phát triển của Hải quân Trung Quốc cho biết, tất cả các tàu sân bay mới của Trung Quốc dự kiến sẽ trang bị máy phóng điện từ tương tự như loại được Mỹ sử dụng. Hệ thống phóng máy bay điện từ Mỹ, được gọi là EMALS, có thể phóng nhanh và nhiều máy bay hơn các hệ thống hơi nước - diesel cũ.

Dự án tàu sân bay Trung Quốc, hoạt động bằng trạm nguồn hạt nhân. Ảnh SCMP
Dự án tàu sân bay Trung Quốc, hoạt động bằng trạm nguồn hạt nhân. Ảnh SCMP

SCMP dẫn nguồn từ một số chuyên gia quân sự Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với PLA cho biết, kế hoạch của PLA vào tháng 1 phát triển quân đội thành lực lượng tác chiến hiện đại, chuyển trọng tâm đầu tư phát triển kỹ chiến thuật, vũ khí trang bị từ lục quân sang các lực lượng khác như hải quân, không quân và những đơn vị chiến lược mới hình thành, tập trung vào các nguy cơ mới công nghệ cao như tác chiến điện tử, chiến tranh mạng.

Theo ông Wang Yunfei, một chuyên gia và sĩ quan hải quân, thuyền trưởng khu trục hạm PLA nghỉ hưu: Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Trung Quốc với hệ thống phóng EMALS sẽ được đưa vào biên chế cho hải quân năm 2035, có ít nhất 6 tàu sân bay, trong đó có bốn chiếc hoạt động thường xuyên trên chiến trường ưu tiên, 1 chiếc dành cho huấn luyện và 1 dự bị. Trung Quốc tiếp tục phát triển lực lượng hải quân cho đến khi ngang hàng với Mỹ.

Tàu sân bay đầu tiên trang bị máy phóng điện từ sẽ là Type 002 chạy bằng động cơ diesel, bắt đầu chế tạo từ năm 2018.

Chuyên gia Wang khẳng định, chính quyền Bắc Kinh sẽ không cắt giảm ngân sách ngay cả khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Chuyên gia Wang nói: Ngay cả khi bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, quân đội vẫn có thể điều chỉnh tỷ lệ trong tổng chi ngân sách quân sự để đảm bảo tiến trình hiện đại hóa hải quân tiếp tục. Ví dụ, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có thể cắt giảm số lượng xe tăng sản xuất mới mỗi năm.

Tổng ngân sách dành cho hiện đại hóa quân sự sẽ không bị cắt, ngay cả khi Bắc Kinh quyết định tiến hành chiến dich quân sự thống nhất Đài Loan. Trong một kịch bản chiến tranh, Bắc Kinh có thể giảm nguồn ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng tăng chi tiêu quân sự.

Chuyên gia Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự trên đài truyền hình Hồng Kông nhận xét. Hạm đội tàu sân bay Trung Quốc sẽ được tăng cường nhằm khẳng định vị thế toàn cầu của quốc gia này.

Type 002 -  tàu sân bay được trang bị động cơ trạm nguồn diesel thông thường sẽ được trang bị hệ thống phóng EMALS, đây được coi là tàu chuyển tiếp giữa mô hình tàu sân bay Liên Xô sang kiểu tàu sân bay Mỹ, ngay sau đó Trung Quốc bắt đầu chế tạo các tàu sân bay trạm nguồn năng lượng hạt nhân,

Nhưng ông Song cho rằng, sức mạnh Hải quân của Trung Quốc vẫn bị hạn chế, chủ yếu vì Hải quân Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu trên biển còn Mỹ đã có rất nhiều kinh nghiệm từ Đại chiến thế giới thứ II.

Công nghệ tàu sân bay Trung Quốc và các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay có thể sẽ được phát triển phù hợp với cùng thế hệ Mỹ, nhưng việc phát triển vũ khí trang bị chỉ là một phần của toàn bộ lực lượng.

Tiêu chuẩn đào tạo phi công bay biển và kiểm soát tình trạng kỹ chiến thuật, bảo trì bảo dưỡng vẫn là những điểm yếu quan trọng trong Hải quân PLA, do lực lượng hải quân biển xa của Trung Quốc mới bắt đầu phát triển trong thời gian gần đây, không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực sự như người Mỹ.

Thực tế, những bình luận về năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc không khách quan. Đến thời điểm này, trong quan điểm tác chiến chiến lược, tàu sân bay Mỹ đóng vai trò then chốt trong chính sách ngoại giao, phục vụ cho chiến lược đảm bảo lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. Những phương tiện tấn công tàu sân bay của các kẻ thù tiềm năng Mỹ rất nhiều, do đó tàu sân bay không còn đóng vai trò then chốt trong tác chiến không hải bộ mà ngược lại, các căn cứ trên đất liền đóng vai trò quyết định diễn biến cuộc chiến theo kinh nghiệm Syria.

Trong tình huống cạnh tranh và nỗ lực đẩy lùi Mỹ ra khỏi vùng nước Tây Thái Bình Dương, số lượng 4 tàu sân bay năng lượng nguyên tử có thể gây sức ép đáng kể, thậm chí đe dọa cả các căn cứ Mỹ trên tầm gần, điều mà các tên lửa đạn đạo Trung Quốc đang thực hiện. Nhưng để cạnh tranh và đẩy lùi ảnh hưởng Mỹ trên đại dương lại là vấn đề rất lớn, do Mỹ thống trị đại dương không chỉ bằng tàu sân bay, mà còn cả căn cứ trên đất liền.

Nhưng có một vấn đề quan trọng hơn đó là việc thực hiện chiến lược “vành đai - con đường” mà ý nghĩa thực tế của nó hầu như các chuyên gia chiến lược quân sự không hiểu hết. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi hạm đội tàu sân bay Trung Quốc được phát triển nhằm phục vụ mục tiêu này, điều đó cũng có nghĩa, tương tự như Mỹ, Trung Quốc cũng có thể thực hiện các chính sách can thiệp vào nội bộ quốc gia khác vì lợi ích của mình. Vì thế hải quân cần tới 6 cụm tàu sân bay tấn công và đó mới là mục đích thực của hạm đội hàng không mẫu hạm Trung Quốc.