Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 8 tháng 1 dẫn tờ The Diplomat Nhật Bản đăng bài viết "Hải quân Mỹ thúc đẩy kế hoạch chế tạo mới 12 tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa đạn đạo" của tác giả Franz Stephen.
Bài biết dẫn trang tin Hiệp hội Hải quân Mỹ cho biết trong quá trình mua sắm lâu dài của Bộ Quốc phòng Mỹ, tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa đạn đạo (tàu ngầm hạt nhân chiến lược) lớp Colombia (trước đây gọi là chương trình thay thế tàu ngầm lớp Ohio) ngày 4 tháng 1 thông qua xét duyệt "Cột mốc B", sẽ chính thức đi vào giai đoạn tiếp theo.
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đóng tàu Mỹ General Dynamics Electric Boat hiện có thể bắt đầu thiết kế chi tiết và quy hoạch công trình, chuẩn bị sản xuất tàu ngầm hạt nhân chiến lược đắt nhất và cũng có khả năng sát thương nhất trong lịch sử của Hải quân Mỹ.
Đầu tuần qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, ông Frank Kendall đã ký bản ghi nhớ quyết định mua sắm quy hoạch tổng chi phí và chu kỳ sản xuất, "phê chuẩn chương trình này thông qua xét duyệt Cột mốc B, đồng thời chỉ định nó là chương trình mua sắm quốc phòng quan trọng".
Tháng 12 năm 2016, Quốc hội Mỹ cũng đã tiến hành cấp phát kinh phí cho giai đoạn tiếp theo của chương trình này, kinh phí thuộc ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2017.
Tháng 12 năm 2016, Hải quân Mỹ tuyên bố chiếc đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp này sẽ đặt tên là Colombia để kỷ niệm đặc khu Colombia.
Tàu ngầm lớp Colombia mới sẽ bắt đầu thay thế tàu ngầm lớp Ohio từ năm 2031. Chu kỳ thiết kế, phục vụ của tàu ngầm mới là 42 năm.
Theo Hiệp hội Hải quân Mỹ, tàu ngầm mới sẽ là tàu ngầm lớn nhất được chế tạo trong lịch sử Hải quân Mỹ, dài 171 m, rộng 13 m, lượng giãn nước khi lặn là 20.810 tấn. Điều này làm cho nó lớn hơn một chút so với tàu ngầm lớp Ohio.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio có lượng giãn nước khi lặn là 18.750 tấn. Biên chế thủy thủ của tàu ngầm lớp Colombia là 155 người, cũng tương đương với tàu ngầm lớp Ohio.