Hai phương án nghi lễ tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao

Bộ VH-TT&DL trình Thường vụ QH 2 phương án về nghi lễ tuyên thệ khi nhận chức của các lãnh đạo cấp cao.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII

Sau khi được giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác để hoàn thiện nghi lễ tuyên thệ với các chức danh của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chuẩn bị dự thảo trình Thường vụ Quốc hội hai phương án thực hiện nghi thức tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chánh án TAND Tối cao.

Theo đó, ở phương án thứ nhất, lễ tuyên thệ sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, phòng họp được giữ nguyên phông khánh tiết của kỳ họp. Hoặc có thể đề xuất tiến hành nghi lễ tuyên thệ nhậm chức riêng, sau khi kết thúc phiên họp.

Theo phương án 2, phông khánh tiết của phòng họp ghi nội dung Lễ tuyên thệ nhậm chức và ghi chức danh người nhậm chức. Bắt đầu vào buổi lễ, sẽ chào cờ và hát quốc ca.

Tuyên thệ là nghi lễ bắt buộc thực hiện, theo quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. 

Theo quy định, nhạc lễ được chọn là "Tiến bước dưới quân kỳ" lúc người tuyên thệ đi lên làm lễ và "Vì nhân dân quên mình" khi đi xuống. Trước và sau khi đọc lời tuyên thệ, lãnh đạo phải hướng về phía quốc kỳ và cúi đầu chào. Nghi thức yêu cầu lãnh đạo nam mặc comple màu sẫm, áo sơ mi có cà vạt, lãnh đạo nữ mặc áo dài sẫm, không họa tiết.

Nghi thức quy định lãnh đạo phải đặt tay trái lên quyển Hiến pháp 2013, đọc lời không quá một phút với nội dung: "Tôi tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Khi lễ tuyên thệ diễn ra, các đại biểu đều phải đứng lên, không quay phim, chụp ảnh. 

Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII vừa qua, lần đầu tiên 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao đều tiến hành nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức.

Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên nên còn nhiều ý kiến khác nhau về việc thực hiện các nghi lễ tuyên thệ. Thực tế, trong khi các lãnh đạo cấp cao ở phía trên làm lễ tuyên thệ, phía bên dưới vẫn còn nhiều ĐBQH đứng lên, giờ máy ảnh, điện thoại ra chụp với mong muốn ghi lại được những khoảnh khắc ý nghĩa và thiêng liêng đó. Nhiều ĐBQH thẳng thắn góp ý rằng, như vậy sẽ làm mất đi tính trang nhiêm của lễ tuyên thệ nên đại diện Văn phòng Quốc hội sau đó cũng đã lên tiếng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và có sự điều chỉnh phù hợp.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của các chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.

Xem thêm video Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức

Theo Giao Thông