|
Cán bộ chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ thu thập thông tin sau khi 5 ngư dân đi trên tàu cá bị đâm chìm ở Hoàng Sa vừa trở về. Ảnh: Minh Hoàng. |
Chiều 13/7, tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đưa 5 ngư dân gặp nạn trong gia đình ông Võ Văn Lựu từ vùng biển Hoàng Sa về quê đoàn tụ cùng gia đình.
Hải cảnh Trung Quốc đánh ngư dân
Phờ phạc trong ngày trở về, ông Lựu cùng 4 ngư dân gần như kiệt sức. Vị thuyền trưởng kể, sáng 9/7, trong lúc các ngư dân bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa thì 2 tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 bất ngờ tấn công. Họ truy đuổi tàu cá của ông và anh Huỳnh Văn Khanh suốt nhiều giờ trên biển.
"Trưa 9/7, phía Trung Quốc thả ca nô áp sát, 6 người Trung Quốc leo lên tàu cá đánh vào mặt tôi rồi dùng dùi cui điện khống chế ngư dân. Họ tiếp tục dùng tàu của tôi rượt đuổi bắt tàu cá đồng hương nhưng bất thành. Khoảng 14h cùng ngày, tàu hải cảnh Trung Quốc bực tức húc ngang hông khiến tàu chìm, hất văng 5 ngư dân xuống biển", vị thuyền trưởng thuật lại.
Lần đầu tiên theo cha ra biển, cậu bé Võ Văn Cầu (17 tuổi) tỏ ra bức xúc khi chứng kiến tàu Trung Quốc bạo ngược vây ép, cản trở việc đánh bắt thủy sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
"Cũng là người với nhau sao em thấy họ ác quá. Họ đâm chìm tàu, mặc cho 5 người trong gia đình em bám trên mũi tàu, họ cứ vây ép không cho tàu cá Quảng Ngãi đến ứng cứu", Cầu nói.
|
Thuyền trưởng Lựu trình báo với Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ về tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá, đánh ngư dân ở Hoàng Sa. Ảnh:Minh Hoàng. |
Tạm gác phiên biến đưa 5 ngư dân gặp nạn về quê
Dù còn 2 tuần nữa mới kết thúc chuyến đi biển, thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh (ngụ xã Bình Châu) bàn bạc cùng các ngư dân tạm gác công việc để đưa 5 ngư dân trong gia đình của ông Lựu về đất liền.
Ông Khanh cho hay, sau khi đâm chìm tàu cá, lực lượng hải cảnh Trung Quốc chứng kiến 5 ngư dân trong gia đình ông Lựu đu bám trên mũi tàu mà không ứng cứu.
"Thấy anh em ngư dân lâm nạn, mình ở gần mà tàu Trung Quốc còn đứng đó nên không dám đến cứu vớt. 5 giờ sau, họ rời đi, chúng tôi mới có thể đưa các anh em lên tàu trong tình trạng kiệt sức", ông Khanh ngậm ngùi.
Tơi tả ngày trở về, anh Nguyễn Trung Hậu (con rể ông Lựu) bộc bạch, chiều tối 9/7, nếu ông Khanh cùng mọi người không đến cứu kịp có lẽ 5 người trong gia đình đã bỏ mạng giữa biển. Sau khi được lên tàu, thuyền trưởng nói mọi người nấu nước gừng cho uống giữ ấm cơ thể, sau đó nấu cháo loãng cho ăn để sớm hồi phục sức khỏe.
"Tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công từ 8h sáng, đến chiều tối thì 5 thành viên gia đình đói run, cơ thể mỏi rã rời. Thương nhất là em Cầu còn quá trẻ và ông Nội Võ Bông (75 tuổi) tuổi già sức yếu sợ chịu đựng không thấu giữa mối nguy này", anh Hậu thổ lộ.
|
Bà Năng òa khóc ôm con trai Võ Văn Cầu(17 tuổi) vừa thoát nạn từ vùng biển Hoàng Sa trở về. Ảnh:Minh Hoàng. |
Vị thuyền trưởng nhiều lần bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá
Ông Lựu còn nhớ, ngày 1/3/2014, anh em ngư dân đang hân hoan trong ngày đánh bắt cuối cùng kết thúc phiên biển ở vùng biển Hoàng Sa thì tàu Trung Quốc bất ngờ ập đến tấn công. Sau nhiều giờ rượt đuổi, tàu Trung Quốc cho ca nô chở 8 người áp sát, lên tàu cá dùng roi điện uy hiếp, dồn hết ngư dân về phía trước mũi.
"Chúng cướp hết thiết bị, nhiên liệu và lấy đi hơn 4 tấn hải sâm, cá, mực... gây thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Không chỉ cướp sạch tài sản, họ còn lái tàu cá của tôi chạy về phía đảo Linh Côn, vị thuyền trưởng bức xúc.
Sáng ngày 3/6/2015, trong lúc ông Lựu cùng các ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì tàu Trung Quốc số hiệu 35101 chạy đến rượt đuổi, húc vào mũi tàu. Dù may mắn thoát nạn nhưng tàu cá bị hỏng máy thả trôi. Sau đó tàu cá ông Phạm Trung Kiên (cùng quê) đến hỗ trợ lai dắt đưa tàu ngư dân gặp nạn vào đảo Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa sửa chữa.
Ngày 16/6/2015, tàu ông lại tiếp tục bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 33101 và 37102 chở theo 20 người mặc quân phục có trang bị súng AK , dùi cui điện bất ngờ vây ép, tấn công cướp sạch tài sản.
Liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản, giờ đây gia đình ông Lựu lâm cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất. "Hiện gia đình chúng tôi nợ bà con 500 triệu đồng, ngân hàng 390 triệu đồng. Hiện tàu cá cùng ngư lưới cụ trị giá 3 tỷ đồng bị tàu Trung Quốc đâm chìm càng khiến gia đình tôi thêm khốn đốn", bà Nguyễn Thị Năng (vợ ông Lựu) mếu máo.
Ngày 13/7, trả lời câu hỏi về vụ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương điều tra xác minh vụ việc và xử lý nghiêm đối với các nhân viên của 2 tàu Trung Quốc đã có hành vi cố ý đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Các nhân viên này bỏ mặc các ngư dân Việt Nam trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng sau khi tàu bị đâm chìm trên biển.
"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không để tái diễn các hành động tương tự và có hình thức bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam", ông Bình yêu cầu.
Liên quan đến vụ việc, ngày 11/7, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.
Theo Zing