Theo The Telegragh, nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Singapore đã công bố một nghiên cứu mới, cho thấy chìa khóa có khả năng bị giả mạo thông qua âm thanh mở cửa.
Cụ thể, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh phục vụ mục đích ghi âm quá trình mở cửa bằng chìa khóa, hệ thống phần mềm của nhóm nghiên cứu đã có đầy đủ thông tin để xác định hình dạng của chìa.
Hệ thống này hoạt động bằng cách phân tích những âm thanh được tạo bởi sự tiếp xúc giữa chìa và các lẫy khóa nằm bên trong ổ.
Trong quá trình tra chìa vào ổ, chìa khóa sẽ tạo ra tiếng lách cách bất cứ khi nào nó đi qua một lẫy khóa, nếu hoàn thành đủ 6 lẫy, chìa có thể xoay ra để mở ổ.
Nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ các phiên bản khác nhau của âm thanh tra chìa mở khóa và dựng nên một hệ thống phần mềm – được gọi là SpiKey - có khả năng mô phỏng hình dáng của chìa bằng thuật toán. Sau đó, máy tính sẽ xây dựng nên một bức tranh mô tả chiếc chìa khóa chính xác dựa trên những dữ liệu thu thập được.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống này có thể thu hẹp 330.000 hình dạng chìa khóa mở cửa có thể xảy ra xuống còn 3 phiên bản.
“Là một người có sở thích đột nhập vào các công ty một cách chuyên nghiệp, điều này thực sự hấp dẫn tôi. Nghiên cứu này sẽ bổ sung thêm vào kỹ thuật sao chép khóa ngày nay”, Tom Van de Wiele, cố vấn bảo mật chính tại doanh nghiệp an ninh mạng F-Secure cho biết.
Không chỉ thế, ông Van de Wiele còn khuyên các công ty, doanh nghiệp nên cung cấp cho đội ngũ nhân viên bảo vệ những bộ móc khóa ồn ào để che giấu âm thanh mở khóa, đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Ngoài ra, một phương pháp phổ biến khác thường được các chuyên gia phá khóa sử dụng chính là chụp ảnh chìa khóa bằng máy ảnh độ nét cao và sau đó sử dụng hình ảnh để tạo ra một chiếc tương tự.
Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ in 3D để giả mạo thành công một bộ chìa khóa được Cục An ninh Giao thông Vận tải Mỹ sử dụng, sau khi một bức ảnh chụp bộ chìa này vô tình được tìm thấy trên một bài báo.