|
Hà Nội yêu cầu các sở, ngành lập kế hoạch quản lý phương tiện giao thông. (Ảnh minh họa, nguồn internet). |
UBND thành phố nhận được Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, về mục tiêu, thực hiện các giải pháp vừa lâu dài vừa cấp bách, cụ thể để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50% đến 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.
Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% đến 26% cho đô thị trung tâm; đạt từ 18% đến 23% cho các đô thị vệ tinh và đạt từ 16% đến 20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt từ 3% đến 4%.
Về lộ trình thực thực hiện các giải pháp, triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 2017 - 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017 - 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Về việc trên, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 3601/UBND-ĐT yêu cầu sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND.
Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Công an thành phố và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, xây dựng kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND TP.