Theo hộ gia đình này cho biết, sau khi nhân viên ghi chỉ số điện (sáng 5/7), chiều 6/7, họ kiểm tra lại công tơ và chỉ số cuối là 9.032. Ngày 9/7, gia đình nhận được tin nhắn của công ty điện lực báo số điện sử dụng tháng 6 là 404 kWh (chỉ số cuối: 9.191 kWh), số tiền phải thanh toán là 895.728 đồng.
Thấy số điện tăng bất thường trong bối cảnh gia đình đi vắng nhiều, lượng điện tăng khá cao, hộ dân này đã kiểm tra lại công tơ và phát hiện chỉ số mới đang dừng ở mức 9.060 kWh. Phản ánh tới Cty Điện lực Đống Đa, nhân viên điện lực kiểm tra, giải thích vòng vo, rồi mới thừa nhận đã ghi sai hơn 172 số điện so với thực tế.
Nhân viên Cty Điện lực Đống Đa xin tính lại tiền điện cho gia đình với lượng điện tiêu thụ giảm xuống còn 232 số điện, tương ứng số tiền phải thanh toán 441.388 đồng (giảm một nửa so với số tiền đã báo trước đó). Nhân viên ngành điện cũng xin được tính số tiền ghi vượt vào tiền điện tháng 7 với mức giá chuẩn (không bị tính lũy tiến), đồng thời xin đền bù số tiền bị tính vượt trội là 150.000 đồng cho gia đình. Nhiều hộ gần đó cũng phản ánh tiền điện tháng 6 có mức tăng khá lớn.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện EVN Hà Nội cho biết đã có thông tin về vụ việc và sẽ xử lý nhân viên vi phạm. Cùng thời điểm này năm 2014, người dân ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng phát hiện hơn 220 trường hợp bị ghi sai số công tơ, làm tiền điện tăng đột biến. Hai nhân viên ngành điện đã bị kỷ luật vì sự việc này.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tháng 6/2015, trong hơn 2,1 triệu khách hàng của EVN Hà Nội có gần 30% số hộ có mức tiêu thụ điện tăng từ 1,5 lần trở lên so với tháng 5, tương đương gần 685.000 hộ. Còn theo phản ánh của các hộ gia đình tại Hà Nội cho thấy, nhiều hóa đơn tăng cao bất thường, phổ biến khoảng 30-100%. Cá biệt có những trường hợp tăng 3-4 lần.
Tuy nhiên, đại diện EVN Hà Nội khi ấy khẳng định hóa đơn điện sinh hoạt tăng cao, với nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng, dẫn đến tiêu thụ tăng.
Theo Tiền Phong