Giá bán lẻ vẫn giữ nguyên
Theo khảo sát của PV VietTimes tại các chợ Hàng Bè, chợ Hôm và chợ Ngã Tư Sở (TP Hà Nội), số lượng lợn nhập về chợ những ngày gần đây giảm đáng kể so với cuối tháng 2. Các tiểu thương cho biết số lượng thịt lợn bán ra mỗi ngày giảm từ 20 đến 40%.
Lượng tiêu thụ mặt hàng thịt lợn tại các chợ truyền thống giảm 20-40% so với trước khi có dịch.
|
Chị Vũ Thị Khương, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hôm, cho biết: "Trước đây mỗi ngày thịt hai con để bán, nhưng khi có dịch tả lợn châu Phi, tôi chỉ đến đầu mối rồi lấy lại một số hàng về bán".
Giảm lượng hàng nhập đã đành, lượng thịt bán mỗi ngày cũng giảm một nửa so với trước. Một số gian hàng thịt lợn khác tại chợ này cũng không chịu nổi tình trạng ế ẩm diễn ra khoảng chục ngày nay nên đang tạm nghỉ bán.
"Tuy loại bệnh này không lây sang người và các động vật khác, song nhiều khách mua vẫn e ngại. Khi mua họ cũng xem xét rất kỹ miếng thịt. Do đó, việc bảo quản thịt cũng phải cẩn thận, nên chúng tôi không dám nhập nhiều. Mỗi ngày chỉ lấy bằng 2/3 so với nửa tháng trước" - chị Nguyễn Thị Lữ, một người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở cho hay.
Người dân tiêu thụ thịt lợn trở lại sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi.
|
Trái ngược với lượng tiêu thụ giảm ở các chợ dân sinh, nhiều người mua tin tưởng hơn vào công tác kiểm dịch cũng như bảo quản thịt lợn tại các siêu thị, nên sức mua của mặt hàng này tại các siêu thị vẫn đều. Tuy nhiên, quản lý một siêu thị lớn chia sẻ: "Việc bán lẻ tại siêu thị cũng bị giảm những khách hàng thường xuyên, đặc biệt là các đơn hàng cung cấp cho trường học".
Cũng theo vị quản lý này, khi tình hình dịch có diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều ổ dịch tại Hà Nội cách đây khoảng một tuần, một số trường học tại Hà Nội đã có thông báo tới các phụ huynh về việc dừng các món ăn trong thực đơn có liên quan đến thịt lợn.
Thực tế, phải tới hôm nay thì thị trường thịt lợn mới khởi sắc trở lại khi bán nhanh hơn, giá bán lẻ thịt lợn dao động từ 80.000-100.0000 đồng/kg, tùy loại. Mặc dù giá lợn hơi cả nước có xu hướng giảm mạnh, theo khảo sát của chúng tôi tại các siêu thị và chợ truyền thống ở Hà Nội cho thấy, giá bán lẻ thịt lợn vẫn đang giữ nguyên, hầu như không giảm so với trước đó.
Lý giải điều này, các tiểu thương cho biết giá lợn thịt lấy từ cơ sở chế biến không có biến động nên các hàng thịt vẫn giữ giá bán lẻ từ sau Tết Nguyên đán. Bà con tiểu thương bán hàng có nghe đến dịch tả châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh miền Bắc, nhưng nguồn lợn thịt được cam kết đảm bảo.
Nắm chắc nguồn gốc thịt an toàn khi mua
Chủ sạp thịt lợn Nghị Hằng tại chợ Hàng Bè cho biết: "Từ khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm hiện tại, dù sức mua của thị trường giảm nhưng chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn với một tập đoàn cung cấp, nên không giảm số lượng nhập về mỗi ngày.
Tại đây, thịt để về đến cổng chợ thì đã có lực lượng kiểm dịch kiểm tra chặt chẽ từ mã vạch truy xuất nguồn gốc, đến kinh nghiệm quan sát của cán bộ thú y, rồi đến tay tôi với kinh nghiệm lựa chọn và bán thịt 40 năm thì hoàn toàn có thể tin tưởng vào thịt an toàn".
Cũng theo chủ sạp này, vào thời điểm dịch tả lợn bùng phát mạnh tại Hà Nội thì sức mua thịt lợn tại cửa hàng chị và các sạp hàng thịt khác tại chợ Hàng Bè giảm không đáng kể, do bây giờ người tiêu dùng thông thái, coi trọng uy tín và chất lượng thịt để mua. Bản thân người tiêu dùng cũng hiểu và phân biệt được thịt chất lượng, biết được những cơ sở chế biến thịt lợn, địa chỉ cung cấp nào hám lợi mà thu mua lợn dịch về giết mổ để cung cấp ra thị trường mà tránh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (ngõ chùa Liên Phái, phường Cầu Dền) - người thường xuyên đi chợ và mua thịt tại chợ Hôm cho biết, những ngày vừa qua chị có đọc báo và xem tivi nên biết có dịch tả châu Phi đang xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành. Thực tế từ trước đến nay, ở Việt Nam vẫn có nhiều đợt dịch ở lợn và gia cầm, nhưng người tiêu dùng vẫn được cung cấp thịt an toàn cũng như tin tưởng chất lượng hàng hóa thực phẩm tại chợ.
“Nhiều năm tôi cũng nghe thấy có dịch và các cơ quan chức năng đã can thiệp, xử lý nên người tiêu dùng có nhu cầu vẫn phải mua để sử dụng. Hơn nữa, dịch tả lợn châu Phi lại không lây sang người nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm", chị Vân chia sẻ.
Ngoài các chợ dân sinh, tại các quán ăn, đặc biệt là tại các quán lòng lợn, cháo lòng ở Hà Nội , chúng tôi cũng nhận thấy các thực khách đang dần trở lại, sức tiêu thụ món “khoái khẩu” của nhiều người này cũng đang tăng mạnh.
Người dùng tìm mua thịt lợn ở siêu thị và các sạp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn ở các chợ truyền thống.
|
Người dân ăn thịt lợn bình thường
Những ngày vừa qua thông tin "dịch tả lợn châu Phi không lây sang người" được báo chí, đài truyền hình vào cuộc tuyên truyền mạnh, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các lò mổ, các chợ được đẩy nhanh và chặt chẽ.
Trước đó, vào chiều 12/3, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thông tin về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các giải pháp phòng ngừa thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khẳng định, hai ngày qua, Hà Nội không xuất hiện thêm ổ bệnh nào. Đây là thông tin đáng mừng cho người nuôi và kinh doanh lợn để có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi sử dụng thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn bởi tại các lò mổ và chợ truyền thống, Sở đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên và test nhanh tại chỗ, nếu sản phẩm có biểu hiện bệnh thì sẽ bị đề nghị tiêu hủy và dừng bán. Đặc biệt, tại tất cả lò mổ lớn đều có đội kiểm dịch liên ngành kiểm tra, lợn nhập vào đều phải có giấy kiểm dịch từ cơ quan thú y các địa phương.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo, người dân vẫn có thể ăn thịt lợn bình thường, chỉ cần lưu ý khi chế biến phải chín kỹ, tuyệt đối không sử dụng thịt lợn, sản phẩm từ lợn còn sống, như tiết canh, nem chạo...