Hà Nội tìm cách quản chặt thực phẩm tại bếp ăn trường học

VietTimes – Sau sự cố 223 trẻ nhập viện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại Trường mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh), các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang tìm cách siết chặt hơn nữa nguồn thực phẩm cấp vào các bếp ăn trường học.
Trường mầm non Xuân Nộn. Nguồn: Báo GIáo dục.
Trường mầm non Xuân Nộn. Nguồn: Báo GIáo dục.

Trước đó, ngày 14/11, 223 cháu và 2 cô giáo mầm non Trường mầm non Xuân Nộn đã nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân được làm rõ là các cô trò Trường mầm non Xuân Nộn đã nhiễm khuẩn salmonella sau khi ăn bánh ngọt trong bữa trưa.

Hiện, Hà Nội có 2.689 trường học các cấp, trong đó có 1.685 trường với trên 800.000 học sinh có tổ chức ăn bán trú cho học sinh.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho các bếp ăn trường học tại Hà Nội hiện do nhà trường phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức, các cơ quan quản lý ATTP giám sát, quản lý.

Tuy nhiên, tùy theo mức độ phối hợp mà nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn hiện hữu. Gần nhất là vụ 223 trẻ Trường mầm non Xuân Nộn nhập viện sau khi ăn bánh ngọt bị nhiễm khuẩn salmonella.

Do vậy, bên cạnh việc truy nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng Hà Nội (nòng cốt là Sở Y tế) đang nghiên cứu thêm các biện pháp để nâng cao hơn trách nhiệm của Ban chỉ đạo ATTP các cấp trong đảm bảo ATTP trong trường học.

Theo đó, Sở Y tế dự kiến sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, với sự phối hợp với ban phụ huynh. Đồng thời là siết chặt hơn nữa việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào trường học.

Sở Giáo dục và Sở Y tế xây dựng kế hoạch liên ngành triển khai công tác ATVSTP, phòng chống dịch trong trường học. Mỗi năm học đều có tổ chức hội nghị tổng kết công tác ATVSTP trong niên khóa trước, từ đó đánh giá những việc đã/chưa làm được và rút ra kinh nghiệm cho niên khóa tới.