Ông Chung khẳng định, Hà Nội đưa nhiều tuyến phố đi bộ trong các ngày nghỉ cuối tuần là việc làm cần thiết, được đông đảo nhân dân trong và ngoài nước hưởng ứng tham gia và đánh giá cao.
“Trong những tháng qua, các tuyến phố đi bộ thu hút nhiều người, nhưng cách thức tổ chức vẫn còn chưa hấp dẫn, chưa phong phú và vẫn còn đơn điệu. Mặc dù đã áp dụng thành công trong 4 tháng, nhưng cần tiếp tục thí điểm, lấy mốc từ 1/1 đến 30/6/2017”, ông Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, tới đây thành phố sẽ tổ chức phố đi bộ trong các ngày nghỉ lễ như 30/4, 1/5, 2/9. Riêng các ngày Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc theo thông lệ người dân về quê ăn tết nên mật độ người rất ít nên sẽ không tổ chức phố đi bộ những ngày này.
Đặc biết, tới đây Hà Nội sẽ tổ chức rất nhiều chương trình văn hóa lớn tại các tuyến phố đi bộ như sẽ ấn định tổ chức lễ hội “Hoa Anh đào” ấn định thời gian từ ngày 18-20/3 hằng năm.
Một tuần trước khi lễ hội này diễn ra, Hà Nội sẽ phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức tuần lễ nhạc giao hưởng ngoài trời trước tượng đài Lý Thái Tổ, quy mô lớn trên thế giới, được biểu diễn bởi các nhạc công đến từ nước Anh.
Bên cạnh đó, rất nhiều chương trình văn hóa khác sẽ diễn ra tại đây như Ẩm thực Asean, ẩm thực Á Âu; biểu diễn văn hóa nghệ thuật phi vật thể của các vùng miền Tây Nguyên, Tây Bắc, Miền Trung, đồng bằng Bắc Bộ; triển lãm làng nghề, lễ hội sách, lễ hội bia, festival đường phố; chụp ảnh lưu niệm miễn phí; thả chim bồ câu…
Cùng với đó, thành phố cũng sẽ tăng cường lực lượng để chấn chỉnh an ninh trật tự, xe cộ đi lại, công tác vệ sinh môi trường, làm sạch nước Hồ Hoàn Kiếm. Thành phố dự kiến giao quận Hoàn Kiếm là đầu mối tổ chức các hoạt động tại không gian các tuyến phố đi bộ.
Theo báo cáo, trong 4 tháng áp dụng thí điểm, các lực lượng chức năng phát hiện 11 vụ phạm pháp hình sự; xử lý vi phạm hành chính gần 4.900 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phạt tiền trên 1,1 tỷ đồng; có 135 điểm trông giữ xe trái phép; 315 trường hợp bán hàng rong.