|
Ảnh minh họa |
Trả lời Báo Hà Nội mới về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố”, ông Hà Huy Quang còn dẫn chứng thêm, mới đây TP Hà Nội cũng đã triển khai 12 tuyến phố đi bộ và đã cấm triệt để các loại phương tiện chứ không phân biệt xe của địa phương hay tỉnh ngoài.
Ông Hà Huy Quang nêu rõ, Dự thảo Đề án đưa ra lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (Vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2: Từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Giai đoạn 3: Đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong Vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.
Ông Hà Huy Quang cho rằng, Dự thảo Đề án có đề cập đến việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô nhưng khi đã cấm là cấm triệt để tất cả các xe máy chứ không phân biệt xe biển ở tỉnh hay Hà Nội.
Mặt khác, khi triển khai Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại khu vực nội đô (vành đai 1) sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải khách công cộng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Khi các tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân.