Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ở các tuyến đường, địa điểm như Nguyễn Biểu, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám (Ba Đình); Trần Bình, Mai Dịch, Dịch Vọng (Cầu Giấy); Kim Liên, Đường Láng, Nguyễn Chí Thanh đã bị mất điện do giông lốc, mưa lớn, cây đổ đè vào trạm biến áp, đường dây trung và hạ thế do ảnh hưởng của cơn bão số 1.
Mưa lớn suốt từ đêm 27 đến sáng 28/7 đã khiến nhiều tuyến đường như Trần Thái Tông, Duy Tân, Nguyễn Phong Sắc, Phạm Hùng... đều bị tắc do cây xanh đổ và ngập.
Nhiều xe máy bị gió thổi ngã khi tham gia giao thông trên đường.
Nhiều ô tô bị cây đổ đè móp.
Mái tôn bị gió thổi bay xuống đường.
Gió giật mạnh khiến nhiều cây to trên đường bật gốc.
Nhiều người đi xe máy trượt ngã trước đầu ô tô rất nguy hiểm.
Những đoạn đi qua các tòa nhà cao tầng, gió hút rất mạnh khiến người đi xe máy hay bị ngã.
Gió bão đã giật đổ nhiều cây xanh, gây rối loạn giao thông. Thống kê sơ bộ Hà Nội có một người chết, 5 người bị thương, chủ yếu do cây đổ đè vào.
Trước đó, từ sớm nay (28/7), Hà Nội mưa to, gió xoay chiều liên tục. Trên đường Trần Xuân Bảng, đoạn qua bán đảo Linh Đàm, nhiều xe máy không thể di chuyển, ôtô phải giảm tốc độ. Trên đường Phạm Hùng, đoạn qua toà nhà Keang Nam gió quật mạnh khiến nhiều người đi xe máy ngã lăn xuống đường.
"Gió quật mạnh, nhiều người loạng choạng ngã ra đường, tôi và nhiều người khác phải táp xe vào lề và cho nằm xuống. Bản thân phải ngồi thụp xuống đường", anh Lê Văn Thủy thông tin. Vì gió bão nên quãng đường 25 km từ nhà ở Bắc Từ Liêm đến huyện Thanh Trì của anh cũng lâu hơn, mất 1,5 giờ.
Ảnh hưởng của bão cũng làm hàng chục cây xanh trên các tuyến đường bị đổ, ảnh hưởng đến giao thông.
Cột đèn tín hiệu trên phố Trần Xuân Soạn, Ngô Thì Nhậm bị đổ.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, thông tin gió mạnh do ảnh hưởng bão Mirinae nên cây xanh Hà Nội bị đổ, gẫy cành khá nhiều. Đơn vị này đang thống kê thiệt hại, cưa cắt cây đổ chắn ngang đường để không ảnh hưởng giao thông.
Tuy nhiên đến khoảng 8h, công tác khắc phục, di chuyển các cây xanh trên các tuyến phố vẫn chưa được hoàn tất.
Một cây xanh cỡ lớn đổ chắn ngang đường Hai Bà Trưng đè lên ô tô.
Công ty Thoát nước Hà Nội cũng ghi nhận sáng 28/7 đã xảy ra úng ngập tại nhiều khu vực như Phạm Văn Đồng (trước Công ty Cầu 7, ngã Xuân Đỉnh - Tân Xuân), Mạc Thị Bưởi, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Trường Chinh (từ Viện Y học Hàng không đến Tôn Thất Tùng), Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc… với độ sâu đến 0,3 m.
8h10, trên cầu Chương Dương, xe máy hầu hết phải dừng lại, dắt bộ vì gió quá mạnh, không thể di chuyển.
Cây xà cừ rất to đổ vào nhà dân ở số 10 Nguyễn Biểu.
Cây đổ trong sân Nhà Quốc hội.
Người đi xe 2 bánh di chuyển rất khó khăn và nguy hiểm trên cầu Chương Dương vì gió quá mạnh. (Ảnh: P. Thảo)
Hàng loạt xe máy bị gió quật ngã tại Hà Đông (Ảnh bạn đọc cung cấp)
Cây lớn đổ đè bẹp ô tô trên đường Trần Thánh Tông. Vụ việc xảy ra lúc 5h30, thời điểm gió bão đang quần thảo mạnh nhất. Rất may không có thương vong về người. Lực lượng chức năng đang phải cưa thân cây để "giải cứu" ô tô.
7h40, mưa đã ngớt nhưng gió vẫn rít mạnh từng cơn. Cây xanh đổ la liệt trên các tuyến đường. Người dân bắt đầu ra đường khắc phục thiệt hại.
Phố Hàng Bài.
Khu vực gần công viên Thống Nhất, cây to đổ ngổn ngang.
Một phụ nữ bán nước vỉa hè tranh thủ lúc mưa ngớt, gió tạm ngưng rít, chạy ra chằng chống, buộc lại tài sản. Cây lớn cạnh quán nước của bà bị bật gốc, gây hư hỏng một số bàn ghế...
Cây lớn bật gốc trên phố Trần Nhân Tông
Ngổn ngang trên đường Lê Duẩn.
Biển quảng cáo lớn đổ gập trước cửa một siêu thị điện máy trên đường Tây Sơn.
Đường Trường Chinh, một cây xanh đổ vào xe cảnh sát.
Phố Thượng Đình, 6h43 sáng 28/7.
6h30, ghi nhận của PV, các tuyến đường cây đổ quá nhiều, di chuyển rất khó khăn.
Phố Khương Đình - Thanh Xuân lúc 6h20 sáng nay.
6h20, mưa không quá lớn nhưng gió vẫn rít rất mạnh, cây đổ khắp các tuyến đường.
Cây đổ ngổn ngang trên đường Kim Giang sáng sớm nay. (Ảnh: Nguyễn Dương)
Hình ảnh gió bão vít cây chụp từ cửa sổ một ngôi nhà ở khu vực Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh: T.H)
Ghi nhận tại nhà ông Đặng Văn Đáng ở thôn An Mỹ - xã Đại Thắng - huyện Phú Xuyên xảy ra đổ tường lan can tầng hai làm 1 người chết, 5 người bị thương.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay, bão số 1 tiếp tục quần thảo trên đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 9-11.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 1 (Ảnh: TTDBKTTVTƯ).
Do ảnh hưởng của bão số 1, ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13; các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10; ở Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7. Trong 6-12 giờ vừa qua, ở các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 126mm, Ninh Bình 173mm, Thái Bình 186mm.
Hồi 5h ngày 28/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ vĩ Bắc; 105,8 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 9-11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp. Đến 16h ngày 28/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành vùng áp thấp, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) sáng nay (28/7) còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hòa Bình có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-11.
Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Tổng hợp
Facebook, Vietnam+, Dân Trí, VNE