Ông Hùng yêu cầu thành lập tổ công tác liên ngành do Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng và cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát về quản lý quy hoạch, kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án trên và “tổng hợp kiểm tra, dự thảo văn bản của UBND thành phố báo cáo Thủ tướng xong trước ngày 29/9”.
Trao đổi với báo chí sáng 28/9, ông Lê Văn Thưởng, Tổ trưởng dân phố số 13 phường Điện Biên, cho hay khu đất số 8B Lê Trực đã qua nhiều đơn vị quản lý. “Trước đây khu đất của đơn vị thương binh Nguyễn Đình Chiểu, sau do Công ty may Chiến Thắng (Bộ Công nghiệp nhẹ) sử dụng. Cách đây 10 năm, khu đất lại được chuyển giao cho Công ty may Lê Trực”, ông Thưởng nói.
Tòa nhà 8B Lê Trực đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh:Nhật Quang. |
Theo Tổ trưởng dân phố số 13, sau khi Công ty may Lê Trực quản lý khu đất, việc sản xuất rất “cầm chừng”, nhân dân phường từng kiến nghị xây dựng trường THCS tại khu đất trên.
“Chúng tôi kiến nghị và phường đã có văn bản đề xuất quận xin khu đất xây trường học cho con em trong phường. Tuy nhiên, sau đó quận trả lời không xin được vì khu đất sẽ được xây dựng chung cư cao tầng. Hiện các cháu trong phường phải đi học nhờ trường THCS quanh đây”, ông Tổ trưởng cho biết.
Trước đó ngày 24/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng của dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực. Trong tháng 9, Hà Nội phải báo cáo gấp về việc này.
Theo Vnexpress
Nhà cao vọt ngay gần Lăng Bác: “Cần làm rõ ai ký cho xây“
Trao đổi với chúng tôi TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tp Hà Nội cho biết, ông cũng đang theo dõi các thông tin liên quan đến công trình này.
Theo TS Liêm, việc quy hoạch khu vực Ba Đình đã được Bộ Xây dựng thực hiện và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
"Khu vực Lăng Bác, Phủ Chủ tịch... là các công trình di sản được bảo tồn và để bảo vệ thì luôn được quy hoạch một bán kính để bảo vệ.
Ở đây, trong khu vực Ba Đình, ngay từ thời Tổng Bí thư Trường Chinh đã có chỉ đạo, các công trình xây dựng xung quanh khu vực này, có bán kính lên tới cả nửa km thì không được cao quá Lăng Bác.
Ngay khi thực hiện nhà Quốc hội, cuộc thi tuyển chọn phương án cũng có điều kiện không được cao quá Lăng, cho nên các nhà kiến trúc đã phải tính toán rất kỹ", TS Liêm cho hay.
Mặt trước tòa nhà có biển Discovery Complex II. Ảnh: NLĐ
TS Liêm cũng đặt vấn đề, quy định đã vậy nhưng không hiểu việc quản lý quy hoạch ở khu vực này như thế nào.
"Thực ra, hiện nay, phía Quán Thánh, Nguyễn Cảnh Chân cũng đã có những tòa nhà lên cao tầng và bây giờ tiếp tục có tòa nhà này rất gần khu vực Lăng.
Ở đây, Bộ Xây dựng cần rà soát để so sánh với quy hoạch để trả lời rõ xem viêc xây dựng công trình này có vi phạm không?", TS Liêm nhấn mạnh.
Giải thích về việc tại sao phải hạn chế chiều cao các công trình quanh khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, TS Liêm lý giải, nếu các công trình xung quanh cao lên sẽ khiến cho khu Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác bé lại.
"Cũng như xung quanh hồ Hoàn Kiếm chúng ta cũng không cho phép nhà cao tầng, bởi nhà cao tầng lên cao sẽ làm hồ bị thu nhỏ lại và ở đây cũng như vậy.
Quảng trường Ba Đình là công trình nổi tiếng của thủ đô và cả nước, phải có một bề rộng, uy nghi nhất định, nếu bé lại thì sẽ làm giảm bớt giá trị.
Thứ nữa, việc hạn chế chiều cao các công trình xung quanh cũng là nhằm bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ quan Trung ương.
Ở đây, tập trung các cơ quan Trung ương Đảng, Phủ Chủ tịch, Quốc hội, Chính phủ... là đầu não của cả nước, cùng với đó cũng là nơi tiếp các nguyên thủ, đoàn ngoại giao các nước đến, chưa kể nhiều hoạt động diễu hành, kỷ niệm... được tổ chức.
Nếu một tòa nhà cao tầng như thế thì có thể khống chế một diện rất rộng và xét về khía cạnh an ninh thì không nên có công trình như thế này", TS Liêm nhấn mạnh.
Đồng thời, TS Liêm cũng đề nghị, Bộ Công an cũng nên có ý kiến xung quanh việc xây dựng tòa nhà này, bởi, đây là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực này.
Cần làm rõ ai là người ký phép cho xây dựng
TS Liêm cũng đặt thêm vấn đề, trong sự việc này, công trình đã được xây dựng và đang hoàn thiện nên một câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là ai ký phép cho tòa nhà.
"Tôi chắc rằng, Sở Xây dựng Hà Nội là nơi cấp phép xây dựng và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội là nơi thỏa thuận quy hoạch nhưng cần làm rõ xem ai là người ký phép và có sự tác động nào ở ngoài không", TS Liêm nêu ý kiến.
Cùng với đó, TS Liêm cũng nhắc lại, việc thời gian vừa qua, nhiều công trình ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng quốc gia ở Đà Nắng hay đỉnh đèo Hải Vân cũng đã được báo chí phản ánh và sau đó, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, dừng các dự án này.
"Theo tôi hiểu, các cơ quan quốc phòng, an ninh đều phải xem xét các địa điểm nhạy cảm về vấn đề này và quy định bán kính bảo vệ.
Đã có nhiều trường hợp trước đó được phản ánh, phát hiện, tạm dừng nhưng tại sao vẫn lại xuất hiện tòa nhà trên. Do đó, sau đây, tôi đề nghị cần phải có chủ trương, quyết sách rõ ràng về vấn đề này", TS Liêm bày tỏ.
Về hướng xử lý, theo TS Liêm, ở đây, các cơ quan chức năng cần đối chiếu quy hoạch và nếu chiều cao quanh khu vực Lăng cho phép bao nhiêu thì phải tiến hành xử lý, tháo dỡ công trình tòa nhà này đảm bảo đúng.
"Nếu tối đa cho phép được bao nhiêu thì phải tháo dỡ xuống như vậy, dứt khoát phải làm còn thiệt hại đối với doanh nghiệp thì cơ quan nào cấp phép phải tiến hành đến bù, bởi, ở đây, người ta cũng xin phép, làm đầy đủ thủ tục.
Nếu sai thì là ở người cho phép chứ không phải ở họ", TS Liêm nhận định.
Đồng quan điểm đó, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, cần phải xem xét lại quy hoạch chiều cao các công trình quanh khu vực Lăng Bác để từ đó có hướng xử lý.
"Ở đây cần phải kiểm tra xem lại quy định là khu vực này được xây bao nhiêu tầng và xem ai là người cho phép tòa nhà này xây cao đến như vậy", KTS Vạn nói.
Tòa nhà số 8B Lê Trực vừa bị Thủ tướng yêu cầu kiểm tra nằm nổi bật trên phố Lê Trực, mặt trước hướng ra phía Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội.
Hiện tại tòa nhà đã xong phần thô đang đi vào hoàn thiện, mặt trước tòa nhà đang được lắp kính.
Tòa nhà số 8B Lê Trực (Discovery Complex II) là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ chung cư cao cấp và biệt thự liền kề, có tổng diện tích 5.600 m2.
Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (KinhDo TCi Group).
Dự án có tòa nhà cao 17 tầng và 4 tầng hầm, trong đó 5 tầng trung tâm thương mại, tầng trên cùng là bể bơi, tầng 6-17 là căn hộ, diện tích mỗi sàn 1.900 m2.
Đối tác Trung Quốc tham gia dự án
Dự án 8B Lê Trực có tên quen thuộc là Discovery Complex 2, nằm trên khu đất 5.600m2 cao 17 tầng, 4 tầng hầm.
Trong đó 5 tầng được sử dụng làm trung tâm thương mại, trên cùng là bể bơi, từ tầng 6-17 là căn hộ.
Trên tất cả các website của dự án Discovery Complex 2 (Lê Trực Tower) chủ đầu tư được đăng ký là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (Kinh Đô TCi Group) và Công ty Cổ phần May Lê Trực.
Kinh Đô TCi Group là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1997, là chủ đầu tư hàng loạt dự án tại các vị trí trung tâm như Kinh Đô Building tại 93 Lò Đúc, Discovery Complex tại 302 Cầu Giấy.
May Lê Trực này có giấy phép kinh doanh số 0100964054, ngày cấp 25/1/2000.
Trên các website của dự án này, các đơn vị tham gia gồm đơn vị thi công là nhà thầu Hòa Bình (Hoa Binh Corp); Đơn vị tư vấn thiết kế - Công ty tư vấn Đại học Xây dựng, Đơn vị tư vấn, giám sát - Viện Khoa Học Công nghệ Xây Dựng - Bộ Xây Dựng, ngân hàng Quân đội (MBBank) hỗ trợ vay vốn...
Theo thông tin trên website của Kinh Đô TCi Group, tập đoàn này có một đối tác duy nhất trong lĩnh vực xây dựng là Tập đoàn xây dựng Quảng Châu (GMC - Trung Quốc).
Đây là một trong 500 công ty xây dựng lớn nhất Trung Quốc, là nhà thầu chính của dự án Capital Garden do Kinh Đô TCi Group làm chủ đầu tư. Được biết, GMC cũng tham gia hợp tác vào dự án 8B Lê Trực.
Thông tin về Hoa Binh Corp được treo bên hàng rào tôn 4 phía dự án trước đó đã được gỡ bỏ.
Thông tin về nhà thầu đã bị gỡ bỏ
Vị trí đắc địa hay nhạy cảm?
Discovery Complex 2 nằm trên lô đất là 5.600m2. Dự án nằm cách cửa sân vận động Hà Nội (sân Hàng Đẫy) 300m, gần sân vận động Cột Cờ, cách bệnh viện Xanh Pôn 500m, cách Hồ Tây 500m.
Từ tòa nhà 18 tầng này có thể duy trì đến nhiều trung tâm, đặc biệt là có khả năng bao quát toàn bộ những cơ quan nhạy cảm của Chính phủ từ những tầng cao.
Cụ thể, Discovery Complex 2 cách Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh và quần thể Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 500m (200m đường chim bay), cách Hoàng thành Thăng Long 600m (200m đường chim bay), cách tòa nhà Quốc Hội 500m (200m đường chim bay), cách Trung tâm Hội nghị Quốc tế 600m (200m đường chim bay), cách văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Phủ Chủ tịch từ 600 - 700m (300m đường chim bay).
Ngoài ra, đường Trần Phú được mở rộng và kéo dài tạo cho dự án số 8B Lê Trực thêm gần 100m mặt tiền với địa chỉ 67 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội).
Dự án kéo dài đường Trần Phú này đã thêm 450m đường, chi phí trung bình 0,5 tỷ đồng/m, tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng.
Với việc mở thêm con đường được mệnh danh đắt nhất hành tinh này, cùng với vị trí có một không hai kể trên, giá bán của dự án thuộc loại đắt nhất Hà Nội với phân khúc chung cư.
Với khu một - được cấp quyền sử dụng đất có diện tích căn hộ từ 90, 115, 130, 127, 152, 157 m2 giá giao động từ 74 triệu - 82 triệu đồng/m2.
Khu 2 được cấp quyền sử dụng trong 50 năm có diện tích từ 56, 58, 77, 86 m2 có giá giao động từ 62 triệu - 66 triệu đồng/m2.
Hiện tại, dự án đã cất nóc và tiến hành hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao căn hộ. Theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng, dự án còn rất ít căn hộ.
Theo Tri thức trẻ