Hà Nội khó quan sát nhật thực cuối cùng của thập kỷ

VietTimes -- Theo tính toán của các nhà thiên văn học, nhật thực sẽ diễn ra từ 10h36’ đến 14h01’ hôm nay (theo giờ Hà Nội). Trong đó, hiện tượng đạt cực đại vào lúc 12h24 tại Hà Nội và lúc 12h31 tại TP.HCM. Tuy nhiên, với bầu trời nhiều mây như ở Hà Nội sáng nay, việc quan sát nhật thực bị  ảnh hưởng nhiều.
Ảnh minh họa nhật thực hình khuyên: kenhthoitiet.vn

Trao đổi với phóng viên VietTimes, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam nhận định: "Sáng nay có gió và nhiều mây nên khả năng quan sát được nhật thực sẽ thấp đi khá nhiều. Không có nhiều hi vọng vào việc trưa nay mây sẽ tan".

Được biết, vào trưa nay, Mặt trăng sẽ đi vào giữa Trái đất và Mặt trời, tạo ra nhật thực hình khuyên có thể quan sát ở nhiều quốc gia. Đây là hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập niên. Khi đó, Mặt trăng sẽ che khuất phần lớn Mặt trời và để lại một vành sáng nhỏ có hình chiếc nhẫn.

Theo thông tin từ Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, nhật thực lần này có thể được quan sát tại một dải dọc theo các quốc gia gồm Qatar, các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Oman, Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Singapore, Bắc Mariana và Guam.

Rất tiếc Việt Nam không nằm trong dài này. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể quan sát được nhật thực dưới dạng một phần. 

Vì nằm ở phía Bắc của khu vực quan sát được nhật thực hình khuyên, nên người quan sát ở khu vực phía Nam của Việt Nam sẽ quan sát được nhật thực một phần với độ che phủ lớn hơn so với khu vực phía Bắc: Ở TP.HCM, độ che phủ cực đại sẽ là trên 50%, còn tại Hà Nội, độ che phủ chỉ khoảng 30%.

"Để quan sát nhật thực, về mặt không gian, bạn chỉ cần một bầu trời quang mây và góc nhìn đủ để nhìn thấy mặt trời, tức là dễ dàng hơn nhiều so với khi quan sát các hiện tượng thiên văn khác như mưa sao băng hay theo dõi các hành tinh qua kính thiên văn. 

Dù vậy, để quan sát nhật thực một cách an toàn nhất, không gây hại cho đôi mắt, bạn nên chuẩn bị thiết bị phù hợp: kính lọc sáng dành cho mắt, lớp lọc chuyên dụng dành cho kính thiên văn (nếu quan sát bằng kính thiên văn)", ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết.