Hà Nội giải thích việc giao quỹ đất “khủng” không qua đấu giá cho 5 dự án BT

VietTimes -- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đối với diện tích đất 5 dự án BT vừa qua, Hà Nội xác nhận diện tích nghiên cứu là xấp xỉ 270 ha. Tuy nhiên, chỉ có 26% diện tích này là giao đất để tính giá trị thanh toán giao cho nhà đầu tư hoàn vốn công trình BT.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cùng các lãnh đạo sở ngành Hà Nội trả lời báo chí. Ảnh: Tuổi trẻ
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cùng các lãnh đạo sở ngành Hà Nội trả lời báo chí. Ảnh: Tuổi trẻ

Vừa qua, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” UBND Thành phố Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt cho 5 dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng quỹ đất đối ứng lên đến 270ha.

Trong đó bao gồm, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2-Garmuda Gardens, quận Hoàng Mai nhà đầu tư là Công ty Tân Hoàng Minh; dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông giao Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú-Invest và Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy- Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5) nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng; Và dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 do Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty TNHH Bắc Việt là nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với diện tích đất 5 dự án BT, Hà Nội khẳng định thực tế diện tích nghiên cứu chỉ xấp xỉ 270 ha. Tuy nhiên, chỉ có 26% diện tích giao đất để tính giá trị thanh toán giao cho nhà đầu tư hoàn vốn công trình BT. Tiền làm đường bao nhiêu sẽ giao đất tương ứng, không có chuyện giao hơn.

“Đối với giá đất BT được tính toán trên cơ sở của Bộ Tài Chính, Tài Nguyên và Môi trường, Nghị định Chính phủ tới từng vị trí, ở cùng thời điểm… là  hết sức khách quan, chặt chẽ giám sát bởi nhiều cơ quan, nhiều cấp nên không có chuyện đất BT thấp hơn các dự án thương mại khác” - ông Nghĩa khẳng định.

Giải thích việc tại sao thành phố không tiến hành đấu giá các khu đất để lấy tiền đầu tư làm các công trình BT mà lại giao trực tiếp cho nhà đầu tư, ông Nghĩa nói đây là lựa chọn của thành phố.

Ông Nghĩa nói "Tại sao không đem đấu giá mà đổi đất? Chủ trương chúng ta có hạ tầng thì bằng nhiều con đường lựa chọn khác nhau và đi con đường nào thuận lợi nhất. Đất cũng là tiền, tiền cũng là đất".

Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Tư - giải thích về lý do chọn lựa chọn đầu tư công tư, Thành phố chọn khâu đột phá đầu tư vào kết cấu hạ tầng, khả năng ngân sách không thỏa mãn nên việc đầu tư hình thức BT là cần thiết để huy động tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt, "những dự án chỉ định thầu Hà Nội làm theo đúng quy định, quy trình, kiểm tra, kiểm toán chặt chẽ, bảo đảm công khai minh bạch" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM  tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017, diễn ra sáng 30/10/2017, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu, tất cả các dự án BT đang thảo luận hay đang trong giai đoạn đàm phán phải dừng lại để chờ quy trình mới về quản lý dự án đầu tư theo hình thức BT. Riêng dự án BT được Chính phủ cho phép, hay dự án đang triển khai thì vẫn tiếp tục; đối với dự án đang thảo luận với doanh nghiệp thì chậm lại để tìm cơ chế rõ ràng, minh bạch.