Hà Nội đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết an toàn thực phẩm

VietTimes – Hiện đã phát triển được 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm này. Trong đó, có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật – theo Sở NN&PTNT Hà Nội.
Hình minh họa
Hình minh họa

Hà Nội hiện cũng đang tổ chức thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.

Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện đã có 21 địa phương trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Hà Nội. Nhờ đó đã có sự chủ động trong kết nối sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản cho thành phố.

Cụ thể, đến tháng 6/2018, các địa phương đã xây dựng, xác nhận được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Trong đó, hết 6 tháng đầu năm, hệ thống này tỉnh của Điện Biên đã cung cấp được khoảng 50 tấn sản phẩm nông lâm thủy sản cung cấp về Hà Nội, chủ lực là bí xanh thơm, bí phấn thơ, rau bò khai với số lượng 23 tấn, con số tương tự từ tỉnh Vĩnh Phúc là khoảng 2.500 tấn củ quả, 3 triệu quả trứng gà, 60 tấn gà thịt, 500 tấn lợn thịt, 100 tấn thủy sản, tỉnh Hòa Bình là 210 tấn rau các loại, 34,3 tấn thịt lợn, 210 tấn cá…

Qua đánh giá, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết việc kết nối nông sản ở các địa phương với thủ đo vẫn còn khó khăn. Lý do, ngành nông nghiệp một số địa phương chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hàng năm.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa có đơn vị, bộ phận chuyên làm công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp để có đầu mối duy trì phối hợp thường xuyên, điều phối kết nối các doanh nghiệp giữa các địa phương.

Đồng thời, việc thu hút các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển. Một số sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện. Số lượng nông sản cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế.

Do đó, để đa dạng mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành đưa về thủ đô tiêu thụ, cần đẩy mạnh công tác phối hợp lấy mẫu giám sát chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh nhằm truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chương trình hợp tác về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm với các tỉnh, thành có nhiều mặt hàng cung cấp về Hà Nội, nhất là khu vực miền Trung, miền Nam.

Theo đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện, Hà Nội có khoảng hơn 10 triệu người thường xuyên sinh sống trên địa bàn, do đó nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản là rất lớn. Trong khi việc phục vụ nhu cầu này chủ yếu phụ thuộc vào các địa phương lân cận và các nguồn khác.
Theo một số liệu ước tính, hiện sản lượng gạo của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu cho thành phố. Tương tự, sản lượng thịt bò đáp ứng được khoảng 15%, thủy, hải sản khoảng 5%, thực phẩm chế biến khoảng 20%...
Diện tích trồng rau của thành phố hiện được thống kê về con số đạt khoảng hơn 10.000 ha, tuy nhiên diện tích này chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu tiêu dùng, còn lại phải phụ thuộc nguồn cung từ các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…