Hà Nội chưa có danh mục nhà nguy hiểm

Vụ việc sập căn biệt thự từ thời Pháp tại 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội làm dấy lên nhiều lo ngại về hiện trạng, độ an toàn cũng như cung cách quản lý nhiều biệt thự cổ, nhà cổ hiện nay.
Biệt thự cũ nhếch nhác trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội
Biệt thự cũ nhếch nhác trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Ngày 23-9, ông Hoàng Tú - trưởng ban 61 Sở Xây dựng Hà Nội - xác nhận với Tuổi Trẻ hầu hết biệt thự cổ trên địa bàn Hà Nội không có điều kiện kiểm định đánh giá mức độ nguy hiểm.

Nhếch nhác vỏ ngoài, biến dạng kết cấu

Ghi nhận tại Hà Nội, hàng loạt biệt thự hiện nay đã cũ kỹ, xuống cấp, trong khi kết cấu bị xâm phạm, biến dạng do người dân tự ý cơi nới nhiều hạng mục để phục vụ chỗ ở và buôn bán kinh doanh.

Ngôi biệt thự sừng sững tại địa chỉ 65 Nguyễn Thái Học vốn được nhiều người biết đến vì là nơi sinh sống của nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng.

Từ lâu ngôi biệt thự trở nên nhếch nhác chẳng khác nào khu chợ cóc bởi hàng chục hàng quán bủa vây xung quanh, từ hàng bún, phở, trà đá đến sửa chữa máy may, khâu vá quần áo...

Chưa kể toàn bộ bờ tường của biệt thự bị đục, cắm vô số khung bạt, dây thép, dây điện, ống nước khiến kết cấu vỏ ngoài của khu nhà bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng. Bên trong ngôi nhà bị cải tạo nhiều chỗ không theo quy cách nào, hệ thống cầu thang bằng chất liệu gỗ đã cũ kỹ.

Trong khi đó, khu tầng một mặt tiền của biệt thự bị “xé lẻ” ra làm nhiều gian phòng, hiện được trưng dụng làm xưởng sản xuất và showroom kinh doanh tranh, khung ảnh.

Trong khi biệt thự tại số 39 phố Quang Trung thoạt nhìn qua người ta dễ nhầm tưởng là một khu tập thể cũ bởi hàng loạt... “chuồng cọp” được người dân cơi nới từ lúc nào.

Cái làm bằng khung nhôm kính, cái treo lơ lửng bằng khung sắt, cái đua ra bằng cọc bêtông... Ở phía dưới cũng được “xẻ” ra thành từng kiôt nhỏ, kinh doanh đủ loại mặt hàng...

Cùng hoàn cảnh, hàng loạt biệt thự trên phố Phan Bội Châu cũng trong tình trạng cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng khi bờ tường nhiều chỗ bong tróc, nứt nẻ...

Tất cả biệt thự mà chúng tôi khảo sát đều biến dạng kết cấu khi bị các chủ nhân cơi nới bằng nhiều cách - xây thêm diện tích hoặc cắm cọc sắt, bêtông để đua ra khoảng không...

“Nó sập hay không thì cũng phải chịu, hơn 20 năm tôi dọn về đây ở có thấy ai tới sửa chữa cải tạo gì đâu. Nhà nào hỏng cái gì thì tự thuê thợ sửa cái đó” - một chủ hộ, trong số hơn 10 chủ nhân đang sinh sống trong ngôi biệt thự trên phố Phan Bội Châu, nói với giọng đầy thờ ơ khi chúng tôi bày tỏ băn khoăn về độ an toàn của ngôi nhà.

Không có tiền kiểm định mức độ nguy hiểm

Theo danh mục biệt thự cổ xây dựng trước năm 1954 do phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành năm 2013, Hà Nội có 1.253 biệt thự được xác định thuộc nhóm biệt thự cổ xây dựng trước năm 1954.

Theo tìm hiểu, biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo được xếp ở nhóm 2 - nhóm biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không gắn với di tích lịch sử, văn hóa, các sự kiện được xếp hạng theo quy định.

Đáng nói là biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, dù có tên trong danh mục biệt thự cổ, đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng cho đến trước khi đổ sập, biệt thự này chưa được kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm lần nào.

Lý giải những việc này, ông Hoàng Tú cho rằng việc kiểm tra, đánh giá, lập danh mục biệt thự để quản lý chủ yếu được thực hiện bằng trực quan là chính.

“Việc đánh giá dựa trên kiểm định kỹ thuật, đánh giá khoa học của các cơ quan chuyên môn để xác định mức độ, cấp độ nguy hiểm thì chưa có điều kiện để làm” - ông Tú cho hay.

Theo ông Tú, trong số hàng ngàn biệt thự cổ trên địa bàn TP, việc sở hữu quản lý, sử dụng cũng rất đa dạng, thuộc mọi thành phần sở hữu chứ không riêng của Nhà nước.

Đặc biệt, việc quản lý biệt thự hiện mới chỉ dừng ở mức phân chia theo nhóm 1, 2, 3 dựa trên đánh giá về giá trị cảnh quan, giá trị về lịch sử chứ chưa có phân chia về cấp độ nguy hiểm.

Ông Tú cũng thừa nhận hầu hết biệt thự trên địa bàn TP, kể cả biệt thự do các cơ quan quản lý và biệt thự cá nhân, biệt thự có nhiều hộ dân ở cùng đều không có trường hợp nào bỏ tiền ra kiểm định cấp độ nguy hiểm.

“TP cũng không có nguồn kinh phí cấp cho sở để thuê kiểm định chất lượng, đánh giá cấp độ nguy hiểm của từng biệt thự. Đơn giản vì kiểm định chất lượng mỗi biệt thự phải chi đến mấy trăm triệu đồng.

Còn biệt thự của các chủ sử dụng cũng không thuê các đơn vị kiểm định, vì kinh phí kiểm định rất tốn kém. Còn với biệt thự đan xen có nhiều hộ ở thì ai đứng ra làm việc đó?” - ông Tú giải thích.

Trớ trêu hơn, theo tìm hiểu, việc kiểm định xác định cấp độ nguy hiểm, xuống cấp của biệt thự cổ chỉ được thực hiện để đảm bảo đủ căn cứ phá dỡ, xây dựng lại biệt thự mà không phải kiểm định để làm căn cứ cảnh báo người dân.

Di dời dân khỏi nhà nguy hiểm, quy định trên giấy?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ tháng 7-2013, HĐND TP Hà Nội đã có hẳn nghị quyết riêng về cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ... xây dựng trước năm 1954.

Nghị quyết này đã có cả một điều quy định, đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, TP Hà Nội có trách nhiệm di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định.

Cũng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cho đến thời điểm xảy ra vụ sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý biệt thự là Sở Xây dựng Hà Nội vẫn chưa lập xong danh mục nhà nguy hiểm.

Ông Hoàng Tú thừa nhận sở chưa có danh mục biệt thự cổ được xác định là nhà nguy hiểm. “Hiện nay chưa có danh mục này vì thực tế để xác định nhà nguy hiểm phải qua rà soát, hoặc các đơn vị đang sử dụng phải báo cơ quan chức năng” - ông Tú nói.

Trả lời câu hỏi về việc HĐND TP Hà Nội đã có nghị quyết yêu cầu lập phương án di dời tổ chức, cá nhân ra khỏi nhà nguy hiểm, vì sao sau hơn hai năm chưa thực hiện được?

Ông Tú cho biết nếu kiểm định xác định được mức độ nguy hiểm ở cấp độ C, tức là nguy hiểm bộ phận phải có biện pháp khắc phục ngay, còn nguy hiểm ở cấp độ D thì phải cưỡng chế di dời.

“Để lập được phương án, xác định được cấp độ nguy hiểm thì phải có đơn vị tư vấn khách quan, phải qua giám định. Trong giai đoạn hiện nay thì rất khó, chưa thể thực hiện được việc lập danh mục nhà nguy hiểm” - ông Tú thừa nhận.

Phải kiểm định biệt thự quá niên hạn

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khi đề cập các biệt thự cũ hiện nay. Tới đây Bộ Xây dựng sẽ có văn bản nhắc nhở các địa phương tiến hành kiểm định những công trình cũ hết niên hạn, đặc biệt là các công trình có kết cấu bằng gạch, vôi vữa.

Theo ông Hùng, theo quy định tại nghị định 46 đã ban hành, các công trình cũ quá niên hạn sử dụng buộc phải kiểm định, đánh giá mới được tiếp tục sử dụng.

Với trường hợp biệt thự bị sập trên phố Trần Hưng Đạo, ông Hùng cho hay công trình đã trên 100 tuổi, tức đã quá hạn lâu rồi và buộc phải kiểm định.

“Trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc kiểm định này lẫn xử lý sự cố sập thuộc về TP Hà Nội và đơn vị chủ sở hữu là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam” - ông Hùng thông tin.

Theo Tuổi trẻ