|
Ngay sau khi có hiện tượng cá Hồ Tây chết hàng loạt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đi kiểm tra. |
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của HĐND Thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Bí thư, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho rằng, Hồ Tây được xác định là điểm đến của Thủ đô trong những năm tới thành phố sẽ kêu gọi đầu tư vào Hồ Tây để phát triển du lịch theo hình thức xã hội hoá.
Trước đây, Hà Nội đã thực hiện cải tạo, xây dựng xong 18km xung quanh Hồ Tây. Tuy nhiên, hiện gói thầu 23 (gói kè Hồ Tây) bị tạm dừng từ năm 2014 vì khó khăn về nguồn vốn. Đến tháng 7/2016, trong buổi giao ban lãnh đạo Hà Nội đã thông báo dừng dự án này. Đến tháng 9/2016 ông Thắng tiếp tục kiến nghị về dự án trên và Chủ tịch UBND TP Hà Nội có ý kiến tiếp tục thực hiện gói thầu này.
Tuy nhiên, trong việc phân bổ ngân sách vừa qua thành phố không đưa dự án này vào danh sách. “Thành phố đã đầu tư rồi, chỉ cần hơn 100 tỷ đồng nữa là xong. Còn nếu cứ để như vậy thì không thể khai thác được”, ông Thắng nói.
Trả lời ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau sự cố cá chết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban cán sự UBND TP Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát Hồ Tây. Ông cũng trực tiếp đi kiểm tra và nhận thấy từ năm 2011 đến nay quận Tây Hồ đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng. Trong đó có gói thầu liên quan đến nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ chưa được thực hiện.
“Theo con số khảo sát của 3 công ty độc lập, nếu muốn làm sạch Hồ Tây, phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, bởi ở Hồ Tây có những khu vực hiện nay chỉ còn sâu 0,5 m nước và bùn sâu 1,7 m... Muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai của thành phố, chúng ta phải có kế hoạch tổng thể. Việc này tinh thần UBND TP giao Sở Xây dựng thực hiện”, ông Chung nói.
Vì vậy, nếu muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn thì quận Tây Hồ không thể đảm đương được dự án mà thành phố phải đứng ra thực hiện. Các dự án cụ thể thành phố sẽ thực hiện trong thời gian tới gồm: nạo vét Hồ Tây; làm sạch nước môi trường Hồ Tây; làm nốt hệ thống để thu gom 8 cửa xả nước thải Hồ Tây vào hệ thống chỗ công ty Phú Điền để xử lý nước thải thì sa này nước Hồ Tây mới sạch được; khảo sát làm cột phun nước cao từ 180 m đến 200 m để tạo điểm nhấn ở Hồ Tây, ông Chung nói.
Một lần nữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “... Thành phố không thể bố trí vốn cho Ban Quản lý Hồ Tây được. Để hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170 -180 tỷ đồng, thế nhưng trong 4 năm vừa qua Ban Quản lý Hồ Tây chi hết 128 tỷ đồng nhưng tôi không thấy một khối bùn ở đâu cả”.
Tại phiên thảo luận Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ giải thích cho cử tri Hồ Tây được biết là thành phố giao cho Sở Xây dựng khởi động làm lại dự án Hồ Tây tổng thể.
Trước đó, hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Thống kê của thành phố Hà Nội, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, với khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. Kết quả kiểm tra nhanh với các mẫu nước cho thấy “toàn bộ nước mặt Hồ Tây không có oxy”.
Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp HĐND ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư quận Tây Hồ khẳng định, không có chuyện chi 128 tỷ đồng nạo vét mà không thấy mét khối bùn nào. Ông Thắng nói: "Làm dự án đâu phải đơn giản, không làm tí nào mà tốn ngần ấy tiền thì chết !"
Việc nạo vét do Ban quản lý Hồ Tây thực hiện, trong quá trình này các cơ quan của quận đương nhiên phải giám sát, thực hiện theo đúng quy trình. Tới đây UBND quận sẽ có báo cáo lại Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Thắng nói.