Theo ông Lê Văn Dục, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, sau khi loại trừ cây dương dại, còn khoảng hơn 1.000 cây xanh, trong đó có hơn 90% là cây xà cừ (nhóm có đường kính 80cm - 1m, 50-60 tuổi chỉ chiếm 10%, còn lại là cây có tuổi đời 32 năm, trồng từ năm 1985).
Ông Dục nhấn mạnh: “Thành phố không quyết chặt hạ 1.000 cây. Sở Xây dựng cùng các sở ngành, chuyên gia khi chặt hạ một cây thì cũng phải xem xét hết sức kỹ càng. Phương án di chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh mới là đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư. Sở Xây dựng có trách nhiệm nhận đề xuất đó, sau này sẽ tham mưu cho thành phố duyệt phương án tối ưu”.
Ông Dục cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ xem phương án của 2 chủ đầu tư và tới hiện trường để quyết định, đồng thời chọn đơn vị đánh chuyển có kinh nghiệm để đảm bảo cây sống được. Việc chặt hạ, di chuyển cây xanh sẽ phải xin ý kiến người dân.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong khẳng định, ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí. Trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ cây. Đối với cây phải xử lý trong dự án này, TP. Hà Nội giao các cơ quan, đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ, phương án cụ thể với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ.
Sau khi di dời hơn 1.300 cây kể trên, Hà Nội sẽ trồng thay thế 1.547 cây, gồm giáng hương, bàng Đài Loan, cọ dầu, ban hoàng hậu... Ngoài ra, còn có khoảng 4.600 cây bụi như đại sứ, tường vi, hoa giấy được trồng trên tuyến đường này. Gần 70.000 m2 thảm cỏ, cây thảm lá màu cũng được trồng.
Trước đó, ông Phạm Văn Duân, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, cho biết vào ngày 18, 19, 20/4, đơn vị này cùng các cơ quan hữu quan tiến hành khảo sát, đánh giá dãy cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây.
Theo Quyết định 3099 của UBND TP. Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) làm chủ đầu tư. Để thi công tuyến đường này, hơn 1.300 cây xanh thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9.