Hà Nội chấm dứt hoạt động các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý Hồ Tây

VietTimes -- UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây.
Ảnh minh họa, nguồn internet

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 37, truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về nạo vét, cải tạo môi trường nước Hồ Tây.

Theo đó, để phục vụ công tác nạo vét, cải tạo môi trường nước Hồ Tây, UBND TP giao UBND quận Tây Hồ, căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 435-TB/TU ngày 26/10/2016 và Thông báo số 525-TB/TU ngày 17/01/2017, chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây.

Quận Tây Hồ phải xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; Xây dựng Kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây (thực hiện các công việc trong Quý I/2017).

Liên quan đến kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp, Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo gửi thành phố trong tháng 2/2017.

Nội dung báo cáo bao gồm: Quá trình hoạt động, kinh doanh của Doanh nghiệp tại khu vực Hồ Tây; Nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi, bao gồm thời gian đóng, thời gian đưa vào sử dụng, vận hành phương tiện, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao đến thời điểm hiện tại; Hợp đồng lao động, số lượng lao động được doanh nghiệp sử dụng, tiền lương phải trả (có bảng sao, kê kèm theo), những khó khăn, vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý Hồ Tây; Nguyện vọng của doanh nghiệp đối với Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây của UBND Thành phố, trong đó, có kế hoạch đóng tàu thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế để đề nghị UBND TP xem xét, lựa chọn.

Được biết, UBND TP cũng đang triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, khoảng 3 tháng trước khi diễn ra sự kiện cá Hồ Tây chết hàng loạt, vào ngày 17/6/2016 theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP, Sở GTVT Hà Nội tiến hành kiểm tra và ra Thông báo đình chỉ hoạt động đối với các du thuyền trên Hồ Tây.

Thông báo đình chỉ yêu cầu, các doanh nghiệp có các phương tiện thủy, sàn nổi, nhà nổi, cầu dẫn đã hoán cải, xây dựng không phép, không đảm bảo kỹ thuật và vệ sinh môi trường phải tổ chức tháo dỡ, di chuyển ra khỏi khu vực Hồ Tây. Nếu doanh nghiệp không tự giác thực hiện tháo dỡ, di chuyển sẽ bị cưỡng chế, xử lý theo quy định.

Đến ngày 4/7/2016, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định 3633/QĐ-UBND lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp tham gia kinh doanh bến thủy nội địa trên Hồ Tây. Theo đó, đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra 14 doanh nghiệp.

Vào khoảng tháng 10/2016, sau sự kiện cá Hồ Tây chết hàng loạt UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan ở khu vực Hồ Tây.

Như vậy, sau thời gian dài UBND TP Hà Nội mới có kết luận chính thức về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây.

Trong thời gian này, theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh bến thủy nội địa trên Hồ Tây cơ sở vật chất cũng như hàng hóa của họ bị hư hỏng nặng dẫn đến các rơi vào tình cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản. Ngoài ra cũng có rất nhiều lao động bị mất việc.