Các bài khác trong cùng tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:
Bài 2: Nỗi niềm cán bộ “Một cửa” trong “guồng quay” dịch vụ công trực tuyến
Bài 3: Chọn phần mềm “Một cửa” DVCTT: Hà Nội gọi tên ai?
Dẫn đầu hồ sơ giao dịch qua mạng
Phải giải thích rằng, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng và được chia thành 4 mức độ. TP. Hà Nội hiện đang triển khai tới DVCTT mức độ 3 và mức độ 4.
Ở mức độ 3, công dân điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan cung cấp dịch vụ, sau đó đến trực tiếp thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả dịch vụ. Còn mức độ 4 là công dân chỉ cần ở nhà điền và gửi trực tuyến mẫu văn bản, không phải đến trực tiếp mà vẫn lấy được kết quả qua đường bưu điện hoặc một hình thức khác.
Chia sẻ với PV VietTimes, các lãnh đạo quận, phường đều cho rằng nhờ vào sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của UBND TP. Hà Nội nên việc thực hiện DVCTT mức độ 3 trên địa bàn thời gian qua đã đạt được kết quả cao.
Quả thực, kể từ giữa năm 2016 đến nay, Hà Nội liên tục đưa ra các kế hoạch thực hiện DVCTT, từ thử nghiệm tại 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm tới chính thức thực hiện tại các quận, phường nội thành, rồi hiện nay là mở rộng đến các huyện, xã trên toàn thành phố. Các kế hoạch được thực hiện dồn dập, có khi chỉ cách nhau 2-3 tháng.
Sau mỗi lượt triển khai, phạm vi, đối tượng, lĩnh vực thực hiện DVCTT ngày càng được mở rộng. Tính đến hết tháng 6/2017 hệ thống DVCTT đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, có gần 5 triệu lượt truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt trên 90%.
Theo báo cáo của Hà Nội, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số DVCTT đạt kết quả rất cao như: lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt trên 90%; Đăng ký kinh doanh trên 70%; Thuế đạt 97%; Hải quan đạt 100%, Bảo hiểm xã hội đạt trên 80%;Hộ chiếu phổ thông đạt trên 80%; Thông tin và Truyền thông đạt 90%.
Riêng lĩnh vực tư pháp, thống kê từ ngày 01/01/2017 đến 30/4/2017, toàn thành phố có rất nhiều quận đạt tỷ lệ 100% hồ sơ nộp trực tuyến như: Long Biên, Ba Đình, Quốc Oai, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; Hầu hết các quận, huyện khác đạt tỷ lệ từ 80% trở lên; chỉ có duy nhất huyện Ba Vì đạt được tỷ lệ trên 31% hồ sơ nộp trực tuyến.
Vì vậy, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng. Đồng thời, phấn đấu đảm bảo hết năm 2017, phải có 55% thủ tục hành chính được thực hiện theo DVCTT mức độ 3, 4.
Đây quả là số liệu thể hiện kết quả đáng nể của Hà Nội sau khi tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Giật mình vì con số chênh lệch
Với nỗ lực để người dân thấm nhuần, hiểu rõ về DVCTT, các quận, các phường trên địa bàn TP. Hà Nội đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền. Ngay như quận Nam Từ Liêm tuyên truyền qua loa truyền thanh cả mấy tháng trời; quận Bắc Từ Liêm, quận Tây Hồ thì in, phát tờ rơi đến từng cá nhân, từng gia đình; tổ chức các buổi sinh hoạt, phối hợp các buổi học Nghị quyết để hướng dẫn, giải thích về DVCTT cho người dân;.... Chính vì vậy, chỉ riêng lĩnh vực Tư pháp tỷ lệ công dân làm thủ tục DVCTT tại các phường của các quận, huyện này đều ghi nhận hầu hết đã đạt 100%.
Một số lãnh đạo phường mà PV VietTimes đã tiếp xúc, như Phó Chủ tịch UBND Phường Thuỵ Khuê – quận Tây Hồ Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa – quận Cầu Giấy Trần Thị Hải Yên hay lãnh đạo phường Trung Văn – quận Nam Từ Liêm,… đều chung nhận định tuy chưa có kết quả khảo sát chính thức nhưng theo đánh giá chung thì từ khi triển khai dịch vụ công trực tuyến người dân rất phấn khởi, đồng tình. Và ở các địa phương này, không có trường hợp người dân nào nộp hồ sơ trực tiếp mà 100% người dân nộp hồ sơ bằng hình thức online.
Tuy nhiên, với bà Phan Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Bắc Từ Liêm thì tỷ lệ hồ sơ được thực hiện trực tuyến chỉ đánh giá một phần về hiệu quả sau quá trình triển khai DVCTT. Bởi quận này còn tự đặt ra thêm một tiêu chí “Tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà” phải đạt tối thiểu 45%.
Vì vậy, quận Bắc Từ Liêm có thống kê cụ thể đã đạt 100% hồ sơ người dân nộp trực tuyến nhưng tỷ lệ người dân nộp trực tuyến tại nhà đối với cấp quận cũng chỉ là 68%, còn đối với cấp phường chỉ đạt khoảng 45,6%.
Nghe đến con số này, ai cũng phải bất ngờ vì tỷ lệ người dân tự đăng ký trực tuyến cấp phường của một quận nội thành như Bắc Từ Liêm là 45,6% thì quá thấp. Hơn nữa, quận này còn được lãnh đạo TP. Hà Nội giao thực hiện thí điểm DVCTT lĩnh vực Thông tin - Truyền thông và Tài nguyên - Môi trường.
Bà Phan Thị Thanh Huyền còn nói thêm: “Đấy là chúng tôi làm tốt thì được thế thôi nếu đi đến các quận, huyện khác thì khéo chẳng biết gì (người dân không biết gì về DVCTT – PV), chắc là toàn cán bộ ngồi làm. Chỉ cần về ngay các huyện ngoại thành, người ta đang báo cáo trực tuyến 100% đấy, bạn hỏi xem người dân xem người ta có biết không, hay toàn cán bộ phải làm” !
Thực tế ấy đặt ra câu chuyện về việc phải phân biệt được giữa tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến và tỷ lệ người dân tự làm trực tuyến tại nhà. Vậy thực chất DVCTT của Hà Nội đã đạt được những gì từ khi triển khai đến nay, tại sao lại có sự “phô chênh” giữa tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến và tỷ lệ người dân tự làm trực tuyến lớn như vậy?
Những điều ấy thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời!
99% hồ sơ trực tuyến do cán bộ nhập hộ (?!)
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng chừng 35km, chạy dọc theo quốc lộ 32, chúng tôi xuống đến huyện Phúc Thọ - một huyện nằm phía Tây Thủ đô Hà Nội với 18,5 vạn dân, gồm 23 xã, thị trấn, đa phần người dân nơi đây làm nghề nông.
Ông Lê Tiến Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phúc Thọ cho biết, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã lên đến 97,6%.
Để ghi nhận thực tế, nhóm PV VietTimes đã tìm đến một số xã được ông Tiến Hải giới thiệu là xã tiêu biểu trong việc triển khai DVCTT trên địa bàn huyện Phúc Thọ.
Ngay tại xã Thọ Lộc, cơ sở hạ tầng tuy còn đơn sơ nhưng riêng việc đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận một cửa thì rất đồng bộ, đúng tiêu chuẩn. Ngoài các trang thiết bị, máy móc công nghệ cần thiết cho cán bộ một cửa, cán bộ tư pháp thì xã Thọ Lộc cũng để một bộ máy tính bên ngoài cho công dân đến thực hiện dịch vụ thoải mái sử dụng chung.
Một vị lãnh đạo xã Thọ Lộc cho biết, mỗi ngày có khoảng từ 15-17 lượt người dân đến trụ sở xã để làm DVCTT. Đến nay công dân làm thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, trích lục là 178 trường hợp và tỷ lệ hồ sơ thực hiện DVCTT là 100%. Tuy nói vậy, bản thân vị lãnh đạo này cũng dồn nén nhiều tâm tư.
Dù đã tích cực tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi, tuyên truyền tại các buổi họp nhưng tỷ lệ người dân xã Thọ Lộc tự thực hiện DVCTT tại nhà thì vẫn rất thấp. Sau gần 8 tháng triển khai DVCTT cấp xã, toàn xã mới chỉ có 1-2 công dân tự thực hiện DVCTT, còn lại hầu như các công dân vẫn trực tiếp đến xã như thường lệ và được cán bộ một cửa nhập hộ dữ liệu theo đúng quy trình trực tuyến.
Xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ cũng vậy, hồ sơ tư pháp của công dân cũng nhập vào hệ thống trực tuyến chung đạt tỷ lệ 100% nhưng cán bộ phải nhập hộ hồ sơ lên hệ thống trực tuyến đến 90%. Từ khi triển khai DVCTT mới chỉ có duy nhất 01 trường hợp tự làm trực tuyến, tuy nhiên cũng làm sai và cán bộ vẫn phải hủy hồ sơ và lại nhập hộ lại từ đầu.
Một cán bộ xã Võng Xuyên chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng tuyên truyền hướng dẫn người dân nhưng hướng dẫn 1 lần chưa hiểu, 2 lần chưa hiểu, 3 lần cũng chưa hiểu,... sinh ra người dân cáu gắt nói lại: Nhà chị biết làm thì làm luôn đi, chứ tôi nông dân thì biết cái gì mà làm”.
Theo ghi nhận của PV VietTimes nhiều xã ở huyện Phúc Thọ đều có tỷ lệ người dân tự đăng ký hồ sơ tư pháp trực tuyến tại nhà rất thấp. Như tại xã Tam Hiệp, cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ cho biết, có đến 99% hồ sơ tư pháp trực tuyến là cán bộ bộ phận một cửa nhập thay cho công dân, tại xã Phụng Thượng con số này cũng lên đến 90%.
Nhiều cán bộ xã ngậm ngùi chia sẻ, chưa biết đến bao giờ công dân vùng ngoại thành có thể tự làm được hồ sơ trực tuyến...
Các bài khác trong cùng tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:
Bài 2: Nỗi niềm cán bộ “Một cửa” trong “guồng quay” dịch vụ công trực tuyến
Bài 3: Chọn phần mềm “Một cửa” DVCTT: Hà Nội gọi tên ai?