Gửi vũ khí cho Ukraine hay không: Hàn Quốc lâm thế "tiến thoái lưỡng nan"

Hàn Quốc đe dọa sẽ gửi vũ khí và tài nguyên tới Ukraine để đáp trả kẻ thù lâu năm của họ là Triều Tiên.
Binh sĩ Hàn Quốc duyệt binh ở Seoul (Ảnh: Getty)

Sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia trong tuần này, các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc đã lên án Triều Tiên gửi quân tới Nga. Nhiệm vụ của nhóm binh sĩ này chưa được nêu rõ ràng, nhưng Ukraine cho biết họ đến đó để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Kiev.

Các quan chức cũng thông báo với các cơ quan báo chí rằng Seoul có thể gửi vũ khí tới Ukraine như một phần của một loạt các biện pháp đối phó theo từng giai đoạn.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm thứ Ba trong tuần dẫn lời các quan chức an ninh cho biết Seoul thậm chí có thể cử quân nhân tới Ukraine để giám sát sự hiện diện của Triều Tiên trong cuộc xung đột.

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu “những hậu quả về an ninh” nếu nước này tham gia vào cuộc xung đột, Yonhap đưa tin.

Kho vũ khí đáng sợ

Các nhà phân tích cho rằng Nga có lý do chính đáng để lo ngại về hành động của Hàn Quốc.

“Vũ khí của Hàn Quốc có khả năng tạo ra sự khác biệt đáng kể về cả khả năng phòng thủ và khả năng tấn công của Ukraine”, Jeremy Chan, nhà phân tích về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group, nói với Business Insider.

Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, đã xây dựng một kho vũ khí đáng gờm trong cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ với Triều Tiên. Nó bao gồm các hệ thống phòng không và chống tên lửa có thể giúp Ukraine bảo vệ các thị trấn và cơ sở hạ tầng khỏi các cuộc tấn công của Nga, ông Chan nói.

Ngoài ra còn có pháo K9 Howitzer, xe tăng K2 và hệ thống phóng nhiều tên lửa "đẳng cấp thế giới", ông Chan nói.

Seoul đã hỗ trợ cung cấp đạn pháo 155 mm rất cần thiết cho Ukraine. Hàn Quốc cũng gửi đạn cho các đồng minh phương Tây như Mỹ và Ba Lan, giúp họ có điều kiện gửi đạn của mình tới Ukraine.

Ellen Kim, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC, nói rằng sự hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho Kiev có thể bao gồm việc cung cấp thông tin tình báo về vũ khí và chiến thuật của Triều Tiên.

“Hàn Quốc có thể hỗ trợ chiến dịch chiến tranh tâm lý chống lại binh lính Triều Tiên, những người có thể không muốn chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine”, ông Kim cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Tư trong tuần cho biết "có bằng chứng" cho thấy quân đội Triều Tiên đã được huấn luyện ở Nga và cảnh báo họ không nên tham gia cuộc chiến. Các chuyên gia quân sự nói rằng binh lính Triều Tiên được gửi đến đó sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc nghiệt để ngăn cản họ đào ngũ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi tháng 6 (Ảnh: Getty)

Hàn Quốc vẫn do dự

Tuy nhiên, những trở ngại đáng kể đang cản trở việc Hàn Quốc trang bị vũ khí cho Ukraine. Điều quan trọng nhất là lệnh cấm lâu dài của Hàn Quốc trong việc gửi viện trợ quân sự cho một quốc gia đang có chiến tranh.

Ông Chan cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hiện không nhận được nhiều sự ủng hộ trong nước và sẽ gặp khó khăn trong việc bãi bỏ luật trên thông qua Quốc hội. “Các hành động của Triều Tiên sẽ phải thể hiện mối đe dọa rõ ràng và trực tiếp hơn đối với an ninh quốc gia của Hàn Quốc trước khi mong đợi Quốc hội cho phép xuất khẩu vũ khí sang Ukraine”, ông nói.

Các nhà phân tích Chan và Kim cho biết, một yếu tố khác cản trở chính là việc Hàn Quốc không phá hủy hoàn toàn mối quan hệ với Nga.

Để đổi lấy đạn pháo và sự hỗ trợ quân sự của Triều Tiên ở Ukraine, Điện Kremlin đã tìm cách cản trở các cuộc thanh tra của Liên hợp quốc về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và có thể sẵn sàng trao cho nước này công nghệ quân sự phức tạp.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang cân nhắc việc gửi vũ khí tới Ukraine (Ảnh: Getty)

Thế tiến thoái lưỡng nan

Ông Chan cho biết Tổng thống Yoon đang tìm ra cách tốt nhất để ngăn chặn Nga. “Seoul tin rằng lời đe dọa cung cấp vũ khí sẽ mang lại cho họ nhiều đòn bẩy hơn đối với Moscow so với khi Hàn Quốc bắt đầu cung cấp vũ khí trực tiếp”, ông nói.

Các mối quan hệ ngoại giao và thương mại trong tương lai là một lý do khác khiến Hàn Quốc ngần ngại hành động - cũng như nguy cơ bị kéo sâu hơn vào cuộc chiến Ukraine so với dự định ban đầu của họ.

“Có khả năng Hàn Quốc sẽ bắn trúng người Nga và/hoặc người Triều Tiên, và điều đó sẽ quốc tế hóa và mở rộng cuộc chiến hơn nữa”, Sean McFate, giáo sư chiến lược tại Đại học Georgetown, nhận định. “Trường hợp xấu nhất là nó gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, kéo Mỹ và Trung Quốc vào xung đột vũ trang”.

Tuy nhiên, mối quan hệ liên minh ngày càng tăng giữa Nga và Triều Tiên có thể sớm đạt đến điểm mà Hàn Quốc cảm thấy cần phải hành động.

Do sự quan hệ ngày càng tăng với Nga, Triều Tiên có thể nhận thấy mình có lợi thế để đàm phán chuyển giao công nghệ vũ khí từ Nga. Theo ông Chan, một cuộc trao đổi như vậy có thể là “lằn ranh đỏ” buộc Hàn Quốc phải tham gia vào cuộc chiến Ukraine và gửi vũ khí cho Kiev.

Mặc dù Hàn Quốc có sức mạnh quân sự có thể giúp Ukraine làm tổn thương Nga nhưng hành động đó đi kèm với nguy cơ leo thang thực sự. “Sự tham gia của Triều Tiên làm tăng đáng kể nguy cơ khiến Hàn Quốc bị mắc kẹt trong cuộc chiến”, Ellen Kim nhận định.

Theo Business Insider