|
GS VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam |
Trước hết, xin ông cho biết hiện trạng về ngôn ngữ trong xã hội hiện nay?
-Có thể nói, sự lộn xộn trong ngôn ngữ ở Việt Nam là điều ai cũng thấy song không mấy ai quan tâm để chấn chỉnh. Trước hết, đập vào mắt chúng ta ở ngoài đường phố là các biển hiệu bằng tiếng nước ngoài hết sức phổ biến. Mặc dù dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quy định các biển hiệu phải ghi bằng bằng tiếng Việt to hơn ở trên rồi mới tới nội dung bằng tiếng nước ngoài nhưng việc này chỉ thực hiện được không lâu.
Rồi đến báo chí, nếu không kể đến lỗi chính tả thì tại sao lại có báo lại sinh ra “chuyên mục tuổi teen”? Và rồi với truyền hình thì tại sao Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình thời sự 19h00 lại dùng thường xuyên cả phát thanh viên nói không theo giọng chuẩn của đất nước?
Thế rồi không hiểu tại sao mà người ta lại dạy cho học sinh viết “i” thay cho “y” trong những trường hợp phát âm giống nhau? Theo tôi, đây là điều không thể chấp nhận được vì ngôn ngữ là văn hóa của người Việt và không thể lấy lý do để cho tiện mà làm như vậy. Sử dụng “y” hay “i” chính là sự tinh tế của tiếng Việt và riêng tôi không bao giờ có thể chấp nhận viết “hy vọng” thành “hi vọng”, “kỹ sư” thành “kĩ sư” hay “mỹ thuật” thành “mĩ thuật”, v.v…
Cũng phải kể đến chuyện tên riêng của doanh nghiệp, tổ chức nữa. Không hiểu các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đâu để cấp phép cho thành lập với tên gọi như Trường tiểu học và trung học cơ sở Everest School, Công ty KingPro…
Trước thực trạng này, bản thân ông thấy cần phải làm gì?
-Tuy không phải là chuyên gia ngôn ngữ học nhưng với tư cách của một người làm giáo dục, tôi rất bức xúc trước thực trạng lộn xộn của ngôn ngữ ở Việt Nam. Bản thân tôi đã hai lần gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội vào các năm 2001 và 2016 về việc cần phải xây dựng Luật Ngôn ngữ song cũng chưa chính thức nhận được hồi âm. Trong các bức thư đó, tôi đã viết: “Xưa các cụ ta đã nói: tiếng Việt còn, nước Việt còn. Quốc ngữ là một trong những giá trị cao quý nhất của dân tộc, tiêu chí hàng đầu của văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc” với hy vọng Quốc hội sẽ chính thức có chủ trương xây dựng và thông qua Luật Ngôn ngữ.
Cũng xin nói thêm là ở một số nước như Liên bang Nga, ngoài việc có Luật Ngôn ngữ còn có một cơ quan trực thuộc Tổng thống là Hội đồng Ngôn ngữ học Quốc gia. Việt Nam cũng cần phải có một cơ quan như vậy và điều này cần phải được ghi vào Luật Ngôn ngữ. Đây phải là trách nhiệm của Chính phủ với ngôn ngữ của đất nước.
Ông nghĩ gì về tình trạng viết sai chính tả của không chỉ học sinh phổ thông mà ngay cả với các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ?
-Có thể nói, thực trạng này là hệ quả của sự “dễ dãi” nhiều năm qua trong giáo dục ở nước ta. Tôi được biết dưới thời Pháp thuộc trước năm 1945 với các kỳ thi hàng năm các cấp học phổ thông mà chỉ cần bài thi môn tiếng Pháp có quá 5 lỗi thì bài thi các môn còn lại sẽ không được chấm nữa. Còn tại Liên Xô, với tất cả các môn thi mà trong bài làm có lỗi chính tả thì sẽ không bao giờ được điểm tối đa.
Chính vì vậy, cần có những quy định chặt chẽ, thậm chí là phải khắt khe hơn nữa trong giáo dục và khoa học với các chuẩn mực về ngôn ngữ. Đương nhiên, càng là các bậc thầy thì càng phải làm gương cho xã hội và thế hệ kế cận với chuẩn mực ngôn ngữ. Bản thân mỗi người trong xã hội đều phải ý thức được điều đó chứ không phải là ỷ lại vào các phần mềm kiểm lỗi chính tả trên máy tính.
Xin cám ơn ông!