GS Nguyễn Minh Thuyết: Chính khách làm hình ảnh mà đóng kịch, kiểu gì cũng hở

Bàn về việc xây dựng hình ảnh chính khách nói chung ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng: “Xây dựng hình ảnh chính khách bằng cái tâm của chính khách, chứ không phải đóng kịch, dàn dựng...".
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đi cấy cùng nông dân (Ảnh Vnexpress)

Gần đây, câu chuyện về hình ảnh chính khách đã được nhắc đến nhiều hơn, được chú trọng hơn. Các chính khách đã xuất hiện nhiều hơn trước công chúng và để ý đến hình ảnh của mình hơn.

Ngay từ đầu năm, người dân cả nước đã rất ấn tượng với hình ảnh Tân Bí thư Thành ủy TP HCM đi bộ và nói chuyện với người dân trên đường hoa Nguyễn Huệ và Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội, tân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đi cấy cùng nông dân. Bình luận về sự xuất hiện này, GS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá cao hình ảnh của những quan chức đứng đầu hai địa phương trọng điểm của cả nước.

Phóng viênInfonetđã có dịp cùng GS Nguyễn Minh Thuyết bàn luận về câu chuyện “xây dựng hình ảnh chính khách của Việt Nam”.

Thưa giáo sư,gần đây, hình ảnh Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung “đi cấy” đã thu hút sự chú ý của dư luận cả nước, tuy rằng cũng có những ý kiến khác nhau. Ý kiến của giáo sư về hình ảnh này như thế nào?

GS NguyễnMinh Thuyết:Tôi rất thích hình ảnh ông Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng vận hành máy cấy với người dân, dịp đầu xuân. Đây là hình ảnh đẹp, và cũng phù hợp với nông nghiệp hiện đại.

Tục xuống đồng bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời tiền Lê. Năm 987, Vua Lê Đại Hành mở ra tục lệ đầu năm tịch điền (đi cày) để khuyến khích người dân tăng gia sản xuất. Đấy là tục lệ rất đẹp, được truyền qua nhiều đời. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần tát nước chống hạn với dân, cày bừa với dân.

Nhưng trước đây, người dân cày bằng trâu thì vua cũng cày bằng trâu. Bây giờ ngồi lên máy cày hay đẩy cái máy cấy thì phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn.

Ngày xưa vua đi cày đầu năm để khuyến khích sản xuất vì ngày ấy nước ta chỉ có nông nghiệp. Bây giờ,kinh tế xã hội phát triển, có rất nhiều ngành nghề khác ngoài nông nghiệp. Việc chọn ngành nghề gì để “mở hàng” nên gắn với thông điệp về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, Trung ương.

Ví dụ, đầu năm một đồng chí lãnh đạo có thể đi cấy cùng bà con, một đồng chí khác có thể đến xưởng máy bấm nút vận hành dây chuyền sản xuất. Có thể có đồng chí lãnh đạo đi quét rác cùng công nhân vệ sinh môi trường. Việc lãnh đạo đẩy xe rác là một hình ảnh đẹp, nêu gương cho người dân chú trọng giữ vệ sinh thành phố,…

Ở Hà Nội, thấy Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND cùng xuống ruộng cấy, tôi cứ hy vọng đó là cách phát đi tín hiệu cho biết năm nay Thành ủy sẽ có chính sách đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp.

Có ý kiến phân vân về việc các lãnh đạo đều mặc đồng phục màu xanh mới, cùng xuống đồng với sự xuất hiện của rất đông người dân. Theo giáo sư, có cần phải thay đổi cách xuất hiện này không?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Tôi nghĩ, cũng không cần thiết phải thay đổi. Vì đi cấy thì phải có áo lao động. Người ta chuẩn bị được quần áo gì thì người ta đưa cho lãnh đạo cái đó. Còn nếu mỗi người chuẩn bị từ nhà cho mình được một bộ quần áo lao động cho đỡ chất “đồng phục” thì hay hơn. Nhưng chuyện này không thành vấn đề.

Sự đồng hành của hai lãnh đạo có thể thể hiện sự đồng tâm nhất trí của 2 vị lãnh đạo mới hoặc nhằm phát đi thông điệp về sự quan tâm của thành phố với nông nghiệp. Nhưng có khi chỉ đơn giản là ông Chủ tịch, dù sao cũng là “người cũ” của Hà Nội tháp tùng ông Bí thư là “người mới” được Trung ương cử về.

Còn việc trống dong cờ mở, bà con đứng xung quanh nhìn, ta cũng không nên khắt khe quá về chuyện này. Việc 2 vị đi cấy chắc cũng diễn ra trong thời gian rất ngắn. Hai lãnh đạo quan trọng của địa phương xuống đồng, người dân quan tâm cũng là chuyện bình thường.

Thưa giáo sư, vậy giáo sư có bình luận gì về sự xuất hiện tại đường hoa Nguyễn Huệ của Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Đinh La Thăng?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Theo tôi, mỗi lãnh đạo, tùy theo tình hình địa phương, có thể chọn nơi để xuất hiện phù hợp. Chẳng hạn, ông Đinh La Thăng trước Tết đã đi dọc đường hoa Nguyễn Huệ trò chuyện với người dân, sau Tết làm việc với Bộ Tư lệnh Thành phố. Xuất hiện trong công việc thường nhật cũng là một cách xuất hiện có hiệu quả.

Thực tế, việc xuất hiện của ông Đinh La Thăng cùng ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM lại khiến dư luận ít bình luận "trái chiều" hơn, Giáo sư có thể lý giải, vì sao lại như vậy?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Việc ông Đinh La Thăng xuất hiện cùng với nguyên Bí thư Lê Thanh Hải, cũng rất hay. Vì ông Lê Thanh Hải là người đã lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lâu năm, việc hai vị đồng hành với nhau thể hiện sự chuyển tiếp giữa các thế hệ lãnh đạo và sự ủng hộ của cựu lãnh đạo với tân lãnh đạo Thành phố.

Tôi nghĩ, có thể đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đó là một nhu cầu. Dù sao ông Đinh La Thăng cũng không phải là người sinh ra và trưởng thành ở TP Hồ Chí Minh. Cho nên, tùy yêu cầu của địa phương mà người ta chọn sự xuất hiện.

Quay trở lại với hình ảnh lãnh đạo TP Hà Nội xuống đồng, cá nhân tôi rất hoan nghênh. Đấy là một hình ảnh đẹp, còn bình luận thì mỗi người có thể có những bình luận khác nhau. Người ta sẽ điều chỉnh nhận thức của mình trong quá trình hoạt động của các vị lãnh đạo mới, xem việc đó là hình thức hay là thực lòng.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội Khóa XII: "Xây dựng hình ảnh chính khách phải bằng cái tâm, chứ không đóng kịch”

Thưa giáo sư, với hàng loạt câu chuyện liên quan đến hình ảnh quan chức, chính khách mà dư luận đang rất quan tâm kể trên, phải chăng việc xây dựng hình ảnh chính khách đã, đang bắt đầu có sự thay đổi?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Đối với chính khách, nói rộng ra là cán bộ lãnh đạo, điều quan trọng số 1 là cái tâm và cái tài của người đó. Nhưng chính khách là người của công chúng nên phải chú ý hình ảnh của mình.

Nếu một chính khách có cử chỉ cởi mở, trân trọng người dân, người dân sẽ thấy người lãnh đạo là người của mình và tin tưởng hơn vào lãnh đạo. Chính khách xuất hiện trước ống kính báo chí ăn mặc tươm tất, tiếp khách quốc tế có tư thế thì hình ảnh chính khách được tôn trọng hơn.

Nếu chính khách “kênh kiệu” quá hoặc luộm thuộm quá sẽ không để lại hình ảnh đẹp. Trong giao tiếp, người ta cũng để ý tỉ mỉ đến cả cách ăn mặc nữa. Ví dụ như mặc áo veston thì cài nút như thế nào, cầm ly rượu thì cầm vào đâu, nhiều người không quan tâm học hỏi, thực hành sai, cũng không hay.

Tôi được biết gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, các ngành đã chú ý đến việc xây dựng hình ảnh. Trước đây, một số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo rất ngại trả lời báo chí. Dần dần, các vị nhận thấy, báo chí chính là một kênh để mình báo cáo công việc của mình với dân, trao đổi quan điểm của mình, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính vì thế, nhiều người không còn ngần ngại tiếp xúc với báo chí nữa.

Một số vị Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ còn sơ suất trong ăn mặc, cử chỉ, lời nói, nhưng dần dần cũng đã rút kinh nghiệm. Người dân không chỉ cần chính khách có tâm, có tài mà còn cần họ có hình ảnh đẹp, hình ảnh thân thiện.

Có ý kiến cho rằng, chính khách Việt Nam còn “chưa gần với dân” như chính khách các nước phát triển. Thậm chí, còn có câu chuyện “bị phạt 5 triệu vì chê chủ tịch tỉnh có cái mặt kênh kiệu”. Ý kiến của giáo sư thế nào về quan niệm này?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Chính khách ở một nước dân chủ là người lãnh đạo nhưng cũng là công bộc của dân. Chính khách phải có tư thế chững chạc, đàng hoàng, nhưng cũng phải là người cởi mở, nhã nhặn, lịch thiệp. Là chính khách mà cư xử kênh kiệu, hống hách với dân thì đấy là hình ảnh xấu. Theo tôi những chính khách bị dân phê bình như vậy phải tiếp thu phê bình để sửa chữa.

Ở nhiều nước phát triển, Bộ trưởng vẫn đi tàu điện ngầm; Thủ tướng vẫn đi chợ, Thủ tướng Đức Angela Merkel bê khay xếp hàng chờ đến lượt mình lấy đồ ăn. Hình ảnh đó cho thấy chính khách rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Qua đó, người dân không chỉ thấy chính khách gần gũi với mình. Người ta còn cảm thấy có niềm tin vì chính khách có sống cuộc sống bình thường thì mới hiểu dân, từ đó mà có chính sách thân dân, có lợi cho dân.

Ở Việt Nam, cũng có nhiều chính khách có tác phong gần gũi với dân, nhưng cũng có người giữ gìn khoảng cách với dân nhiều quá.

Cũng có thực tế là nhiều khi công tác bảo vệ của ta làm cho chính khách xa dân. Điều này, các bộ phận bảo vệ phải quan tâm. Ở nước ngoài, ngay cả những chính khách cao cấp cũng được bảo vệ rất kín đáo.

Nhưng thực tế, so với ngày xưa, chính khách của ta đã gần dân hơn nhiều. Chẳng hạn, qua các buổi tiếp xúc cử tri, ai cũng thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cởi mở, chân tình. Hoặc như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có tác phong giản dị, quần chúng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tôi được tiếp xúc nhiều lần, thấy ông là người luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến người đối thoại.

Vậy, thưa giáo sư, từ những chia sẻ, bình luận trên, giáo sư có thể nói một cách khái quát về việc xây dựng hình ảnh chính khách như thế nào cho phù hợp với nhận thức chung của xã hội?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Theo tôi, trước tiên, chính khách phải chú ý đến chiến lược phát triển đất nước hoặc địa phương, ngành mà mình lãnh đạo.

Thứ hai, phải sử dụng được nhân sự thật đúng. Các cụ thường nói “Dụng nhân như dụng mộc”. Có đường lối chiến lược đúng còn phải bố trí nhân sự đúng thì mới thành công.

Thứ ba, tổ chức chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ thật chu đáo.

Thứ tư, phải làm việc bằng tất cả tấm lòng với nhiệm vụ được giao, đáp ứng những điều người dân quan tâm nhất, mong muốn nhất.

Còn việc xây dựng hình ảnh như thế nào trước mắt công chúng thì điều đó phải xuất phát từ cái tâm.

Chẳng hạn như, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, không phải bà ấy cố ý cầm cái khay chờ đến lượt lấy đồ ăn, để cho báo chí chụp hình mà nếp sống ở xã hội phát triển là như vậy. Trong công việc thì bà Merkel là Thủ tướng, nhưng trong đời thường bà cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi người khác, vào quán ăn thì phải xếp hàng.

Hay, những cử chỉ của ông Barack Obama như quay chào người bảo vệ, cầm ô che cơn mưa chợt đổ xuống cho mình và nhân viên, theo tôi, là thói quen chu đáo của bản thân ông.

Ở nước ta, mỗi cử chỉ, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến sĩ, đồng bào, các vị nhân sĩ, thanh thiếu niên và bạn bè quốc tế đều là những hình ảnh đẹp vì xuất phát từ cái tâm của Cụ Hồ.

Xây dựng hình ảnh chính khách bằng chính cái tâm của chính khách là hiệu quả nhất, mà cũng là dễ nhất, chứ không phải đóng kịch, dàn dựng. Vì đóng kịch là rất khó và kiểu gì cũng hở.

Xin cảm ơn giáo sư!

Theo Infonet