Ảnh minh họa |
Đó là 1 trong 4 nội dung Grab góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) của Bộ Giao thông vận tải. Ngoài Bộ GTVT, bản góp ý này đồng thời được gửi đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, v.v..
Về việc sử dụng hộp đèn trên phương tiện kết nối qua ứng dụng phần mềm, đại diện Grab khẳng định, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường. Do đó, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử là không cần thiết.
Grab cho rằng, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe như quy định pháp luật.
"Nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy", ông Lim Yen Hock -- Giám đốc Công ty TNHH Grab khẳng định.
Ngoài ra, trao đổi với PV, đại diện Grab cũng cho rằng việc này làm tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải. Vì thế, Grab đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.
Còn nhớ, vào cuối tháng 2/2019, cũng trong nội dung phản hồi về yêu cầu đeo mào đối với xe công nghệ, Grab đã từng đề xuất có quy định cụ thể để quản lý loại hình này. Theo đó, không cần có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe, không đồng hồ tính tiền và không niêm yết bảng giá. Tuy nhiên, có thể yêu cầu lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió để nhận diện loại hình dịch vụ này.
Bộ GTVT bảo lưu quan điểm Grab phải "đeo mào"
Trước đó, trong nội dung bản Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 lần thứ 7 vừa lấy ý kiến góp ý đầu tháng 4/2019, Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quan điểm xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi gộp chung là taxi. Dự kiến, bản dự thảo này được trình Thủ tướng vào giữa tháng 4 này.
Cụ thể, “xe taxi là kinh doanh bằng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi để vận chuyển khách, theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; cước chuyến đi theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử”, dự thảo định nghĩa.
Ở phần điều kiện, với taxi, sẽ phải có phù hiệu “xe taxi” và dán cố định phía bên phải mặt kính trước xe, niêm yết đầy đủ thông tin trên xe theo quy định, có hộp đèn chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe. Xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Theo Bộ GTVT, để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa xe taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử (đang thí điểm với Grab), nên Bộ đề xuất: Với xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có bảng điện tử với chữ “xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe; kích thước bảng điện tử này bằng bảng của xe taxi và phải bật sáng khi tham gia giao thông.
Với sửa đổi này, Bộ GTVT cho rằng, các xe hợp đồng điện tử (như Grab) sẽ dễ dàng được nhận diện và quản lý khi tham gia giao thông, với mào “xe hợp đồng” dán cố định trên nóc xe, không khác gì mào “taxi”.