Đại diện VKSND TPHCM cho biết, trong vụ án này phía Vinasun không thể buộc tội Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại vì không đủ căn cứ chứng minh. Do đó, HĐXX cho rằng không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun khi yêu cầu Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng.
Về phía Grab, tòa cũng đưa ra những chứng cứ vi phạm Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Đề án 24, Luật Thương mại... trong quá trình hoạt động. Cụ thể, tòa nhận định Grab trực tiếp đứng ra kinh doanh taxi, chủ động điều chỉnh mức chiết khấu, trong khi đơn vị này chỉ được phép cung ứng dịch vụ.
Phiên tòa Grab - Vinasun. Ảnh: Zing.vn
|
Theo kết quả giám định, có tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa sự xuất hiện của Grab và thiệt hại của Vinasun, sự sụt giảm doanh thu của Vinasun cũng một phần do vi phạm của Grab gây ra. Tuy nhiên, hành vi vi phạm này của Grab không đủ căn cứ để buộc tội đơn vị này là nguyên nhân duy nhất gây thiệt hại cho Vinasun mà có thể do các yếu tố khác. Vì vậy, tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, bác bỏ mức bồi thường 36,3 tỉ đồng. Kết luận, Grab chịu mức bồi thường 4,8 tỉ đồng.
Vụ án dân sự về việc tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Cty TNHH Grab (gọi tắt là Grab) đã kéo dài gần 1 năm, trải qua nhiều lần tạm hoãn để thu thập bổ sung chứng cứ.
Vụ án đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Khép lại vụ án, nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho những đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hành khách, đại diện VKSND sẽ đề xuất với VKSND Tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan ban ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải trên cả nước.