|
Grab đã tiến vào lĩnh vực ngân hàng số như thế... (Ảnh: Nikkei Asia/Tsubasa Suruga) |
Tháng 7/2018, Grab công bố chính thức nền tảng GrabPlatform – một phần trong chiến lược nền tảng mở để trở thành 'siêu ứng dụng' cho cuộc sống hằng ngày đầu tiên tại Đông Nam Á.
"Grab sẽ bổ sung thêm nhiều dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất trong cuộc sống hằng ngày vào ứng dụng Grab thông qua sự kết hợp cùng các đối tác cao cấp nhất trong từng ngành, những người có thể sử dụng GrabPlatform để tích hợp Grab với các dịch vụ của họ", thông cáo của hãng có đoạn.
Đó cũng là năm mà Grab ghi nhận nhiều kỷ lục: Đạt mốc 2 tỉ chuyến xe vào ngày 7/7/2018; Đạt doanh thu 1 tỉ USD với một số mảng kinh doanh có lãi. Từ một ứng dụng đặt xe công nghệ, Grab không ngừng mở rộng thêm các dịch vụ đặt đồ ăn, giao hàng, thanh toán di động.
Tiến vào lĩnh vực ngân hàng số, Grab đã bắt tay cùng Singtel – doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Singapore – để phát triển GXS Bank. Ngân hàng số của liên doanh Grab và Singtel không có chi nhánh vật lý, và có thể được tích hợp một số chức năng, chẳng hạn như thanh toán, vào 'siêu ứng dụng' Grab.
Ngày 31/8/2022, sau gần 2 năm được Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cấp phép hoạt động, GXS Bank đã công bố sản phẩm tài chính đầu tiên, có tên GXS Savings Account. Theo đó, khách hàng sử dụng sản phẩm này sẽ được hưởng lãi suất hằng ngày mà không yêu cầu về số dư tối thiểu.
Trước đó, Ant Group – tập đoàn công nghệ tài chính (fintech) do tỉ phú Jack Ma sáng lập – đã thành lập một ngân hàng kỹ thuật số mang tên Anext ở Singapore.
Sea Group – một fintech đình đám khác ở Đông Nam Á – cũng được MAS cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng số từ năm 2020, song vẫn chưa có kết quả nào đáng ghi nhận trong lĩnh vực này ở Singapore.
Grab và Sea Group còn làm nóng cuộc đua đầu tư vào ngân hàng số ở Malaysia. Trong khi Grab tiếp tục liên doanh với Singtel, thì Sea Group lại lựa chọn liên kết với đơn vị trực thuộc YTL Corp - tập đoàn của tỷ phú Francis Yeoh (Malaysia).
|
Nguồn: Tech In Asia |
Theo Fitch Ratings, Đông Nam Á đang là thị trường 'màu mỡ' cho lĩnh vực ngân hàng số bởi có tới 290 triệu người ở khu vực này không có tài khoản ngân hàng ngân hàng chính thức.
Điều này cho thấy một thị trường khổng lồ chưa được khai thác, thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ như Grab, Ant Group và Sea Group.
Tuy vậy, các vấn đề bảo mật và gây dựng lòng tin của người tiêu dùng vẫn là thách thức không nhỏ đối với ngân hàng số. Khách hàng cần được đảm bảo rằng các dịch vụ ngân hàng được thực hiện trực tuyến thông qua ứng dụng hoặc thiết bị di động sẽ không bị xâm phạm. Đó là 'nút thắt' mà các công ty công nghệ lớn đang đóng một vai trò quan trọng.
Sự nổi lên của Grab, Ant Group và Sea Group đã và đang làm cho công nghệ trở nên đơn giản hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Một số công ty công nghệ, fintech đang làm việc với các ngân hàng để đưa các dịch vụ kỹ thuật số vào sản phẩm của mình./.
Nguồn tham khảo: Nikkei Asia, Tech In Asia, Tech Wire Asia