Google hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng Đông Nam Á

Với số lượng thiết bị di động Android đang chiếm số lượng áp đảo, các nhà phát triển ứng dụng/game đang có khuynh hướng ưu tiên phát hành ứng dụng mới trên nền tảng di động này.
Các nhà phát triển ứng dụng game ở khu vực Đông Nam Á đang chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm tại sự kiện Google Play Playtime

Với số lượng thiết bị di động Android đang chiếm số lượng áp đảo, các nhà phát triển ứng dụng/game đang có khuynh hướng ưu tiên phát hành ứng dụng mới trên nền tảng di động này. Đó là ý kiến của một số nhà phát triển ứng dụng/game tại sự kiện Google Play Playtime vừa diễn ra.

Tại sự kiện Google Play Playtime vừa diễn ra tại Singapore hôm 17-10, Google đã đưa ra định hướng hỗ trợ các nhà phát triển game, ứng dụng, tiện ích ở khu vực Đông Nam Á. Có 6 nhà phát triển ứng dụng tiêu biểu ở khu vực Đông Nam Á đã được Google mời tham dự sự kiện này nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm game/ứng dụng trên nền tảng Android.

Bà Purnima Kochikar, Tổng giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu về các ứng dụng và game trên Google Play, cho biết châu Á- Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển rất nhanh về sáng tạo về kỹ thuật số, phát triển ứng dụng/game. "Chúng tôi ngày càng thấy nhiều nhà phát triển ứng dụng/game đang vươn mình ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương và tầm ảnh hưởng của họ không chỉ giới hạn trong khu vực nội địa mà còn ảnh hưởng đến cả châu lục và hướng tới phạm vi toàn cầu", bà nói.

Bà Purnima Kochikar khẳng định Google cam kết hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng mở rộng từ quy mô khu vực ra tầm quốc tế cùng Google Play.

Theo ghi nhận của Google, từ năm 2014 đến năm 2016, tổng thời gian người tiêu dùng dành cho các ứng dụng đã tăng gấp hai lần tại hầu hết các thị trường ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (theo số liệu từ công cụ đo lường App Annie 2016 của Google). Người tiêu dùng ngày càng dành nhiều thời gian hơn trên các ứng dụng, kéo theo sự mong đợi về nội dung nhiều hơn, góp phần mở ra một tương lai nhiều hứa hẹn hơn cho giới phát triển ứng dụng tại khu vực này.

Các lập trình viên phát triển game/ứng dụng cũng đồng tình với quan điểm này và họ cho rằng người tiêu dùng đang cần ngày càng nhiều hơn các ứng dụng giúp họ giải trí, học tập, chia sẻ thông tin (hình ảnh, cảm nghĩ…) trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Có những sản phẩm game/ứng dụng được phát triển dựa trên những nhu cầu tưởng chừng như rất nhỏ bé như tập chơi đàn piano/violin (RubyCell), mua bán các món đồ cũ cần thanh lý trên mạng (Carousell)…

Việc người tiêu dùng thường xuyên sử dụng smartphone, máy tính bảng… giúp cho các nhà phát triển game/ứng dụng tìm kiếm cũng cơ hội phát triển sản phẩm. Trong đó, số đông người dùng đang sử dụng thiết bị di động Android cũng là một điều kiện tốt giúp cho các lập trình viên ưu tiên phát triển game chạy trên nền tảng di động này.

Một số nhà phát triển game đến từ Singapore, Malaysia, Indonesia… thì cho rằng khi phát triển game hoặc ứng dụng tiện ích họ phải chọn những nhu cầu thiết yếu nhất hoặc phải chọn yếu tố số đông (nền tảng di động có số lượng người dùng nhiều nhất).

Các nhà phát triển game cũng cho rằng, một trong số những lý do họ tập trung phát triển các ứng dụng cho nền tảng Android là do số liệu công khai của nền tảng này; bao gồm hơn 80% các thiết bị di động sử dụng Android trên toàn cầu. Điều này sẽ giúp cho ứng dụng/game của họ có thể phát triển thuận lợi hơn, có thể đạt được số người dùng cài đặt các ứng dụng hoặc trò chơi mà họ đang mong muốn.

Mặt khác, nền tảng Android cũng giúp cho các nhà phát triển game/ứng dụng có thể xuất bản và cập nhật các tính năng mới trên ứng dụng nhanh hơn so với iOS (do Apple có những quy định chặt chẽ hơn-PV). Một số nhà phát triển game/ứng dụng cho rằng có những lúc họ phải chờ đến 2-3 tuần để có thể phát hành game/ứng dụng lên kho ứng dụng iOS.

Theo TBKTSG Online